Nữ tù binh Tây Ninh tại nhà tù Phú Tài

Thứ tư - 15/10/2014 00:00 113 0
Trung hậu là một trong bốn phẩm chất đạo đức đáng quý của phụ nữ Việt Nam. Trung hậu chính là trung thực, trung thành, nhân hậu trong quan hệ với mọi người.

 

 Biểu hiện của lòng trung hậu là: Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; thủy chung trong các mối quan hệ; sống nhân ái, vị tha, trung thực, thẳng thắn, cương trực. Trung hậu luôn là phẩm chất đạo đức thể hiện cách sống đẹp của người Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng. Trong bất cứ thời đại nào, lòng trung hậu vẫn luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam. Bài viết dưới đây là một biểu hiện sinh động của lòng trung hậu của các chị phụ nữ Tây Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa qua.

Trên chiến trường Tây Ninh, sau thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, (1961-1965) đứng trước nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền ở miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải bị động chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1965-1968) hòng đánh nhanh bằng sức mạnh của quân đội viễn chinh và vũ khí hiện đại. Với vị trí chiến lược quan trọng, Tây Ninh trở thành một địa bàn trọng điểm để Mỹ triển khai chiến lược chiến tranh này. Chúng liên tục mở những cuộc hành quân lớn nhằm “tìm diệt” quân chủ lực của ta và đánh phá các căn cứ kháng chiến; đồng thời, chúng ra sức “bình định nông thôn” để quét sạch các cơ sở cách mạng. Chúng tung quân mở những cuộc hành quân lớn về các vùng nông thôn, lấn chiếm các vùng giải phóng, càn quét bắn giết, gây ra những cuộc tàn sát đẫm máu mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Nhiều cán bộ cách mạng và đồng bào bị chúng tình nghi có tham gia hoạt động cách mạng đều bị chúng bắt giam tại các nhà tù ở miền Nam, trong đó có Nhà tù Phú Tài, thuộc tỉnh Bình Định.

Nhà tù Phú Tài là một trại giam lớn của Mỹ - ngụy xây dựng và sử dụng từ năm 1967 đến năm 1972. Nơi đây, bọn địch đã giam giữ, tra tấn các nữ chiến sĩ cách mạng của toàn miền Nam, có khi lên đến hàng ngàn người. Đến năm 1972 cùng với những thắng lợi trên chiến trường cả nước, quân và dân Bình Định cũng góp phần làm cho địch điêu đứng, quân ta giải phóng và làm chủ một địa bàn rộng lớn. Đối với địch, Quy Nhơn cũng không còn là nơi an toàn nữa, ngày 17.5.1972 chúng chuyển tất cả tù nhân của nhà tù Phú Tài vào Trà Nóc (Cần Thơ).

Trong số gần 2.000 người bị địch giam cầm ở nhà tù Phú Tài giai đoạn 1967-1972, có 25 nữ cán bộ chiến sĩ cách mạng quê Tây Ninh. Thời gian trong tù mặc dù bị địch tra tấn dã man, có một chị đã hy sinh trong tù (chị Nguyễn Thị Đệ đến nay chưa tìm được hài cốt) nhưng các chị vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, thành lập T Đảng do đồng chí Nguyễn Thị Phúc làm Tổ trưởng và cử đồng chí Nguyễn Thị Sương (Mười Sương, ở Đôn Thuận- Trảng Bàng) vào Đảng uỷ nhà tù. Tổ Đảng nữ tù binh Tây Ninh đã tham gia tất cả các cuộc đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc của địch, tham gia các hoạt động văn hoá- văn nghệ do cơ sở Đảng trong nhà tù tổ chức. Sau Hiệp định Paris 1973, các chị được đưa về trao trả tại Lộc Ninh. Sau thời gian trị bệnh, an dưỡng các chị được đơn vị cũ đón nhận về tiếp tục công tác cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau ngày 30/4/1975, đa số các chị đều trở về quê làm ăn sinh sống chỉ có 4 chị tiếp tục công tác cho đến tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, Ban liên lạc Cựu tù binh nữ trại giam Phú Tài đơn vị tỉnh Tây Ninh do chị Võ Thị Huệ (Ba Huệ)- nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh làm đại diện. Chị bị địch bắt vào tháng 9/1966 lúc đang là uỷ viên Thường vụ Huyện đoàn Trảng Bàng phụ trách cánh Tây. Chúng đưa chị về Hậu Nghĩa (thời kỳ này chính quyền nguỵ cắt huyện Trảng Bàng, cùng với Đức Hoà, Đức Huệ tỉnh Long An và huyện Củ Chi, lập ra tỉnh Hậu Nghĩa) giam giữ, sau đó đưa về căn cứ Đồng Dù (huyện Củ Chi) để khai thác, thẩm vấn rồi đưa vô trại tù binh nữ Biên Hoà, Phú Tài (Qui Nhơn), Trà Nóc (Cần Thơ). Hiệp định Paris được ký kết, chị cùng với đồng đội trong nhà tù Cần Thơ được đưa về trao trả tại Lộc Ninh ngày 15/2/1973. Sau thời gian điều trị bệnh ở Bệnh viện Lộc Tấn (vùng giải phóng Lộc Ninh), Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Tây Ninh sang đón về an dưỡng ở Lò Gò- Xóm Giữa 3 tháng và đưa về công tác tại Tỉnh đoàn Tây Ninh cùng với chị Mười Sương. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị tiếp tục công tác cho đến lúc nghỉ hưu, còn chị Mười Sương mất năm 1976 do hậu quả của những trận đòn tra tấn dã man của kẻ thù lúc còn ở Trại giam Phú Tài.

Đến nay Ban Liên lạc đã tập hợp lên danh sách được 23 nữ tù binh Tây Ninh tại nhà tù Phú Tài giai đoạn 1967-1972. Hiện có 4 chị đã mất, những chị còn lại đều tuổi cao, sức yếu thường xuyên bệnh tật do bị địch tra tấn trước đây trong tù đa số hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trở về với cuộc sống đời thường, Mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng các chị vẫn thường xuyên liên lạc thăm hỏi động viên nhau vượt qua bệnh tật, khó khăn. Người có điều kiện hỗ trợ giúp đỡ những người khó khăn. Như chị Võ Thị Huệ với chức vụ công tác trước lúc nghỉ hưu là Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh chị đã vận động tài trợ hàng năm cho chị em nữ tù binh đi tham quan một số danh lam thắng cảnh trong nước, về thăm lại Lộc Ninh nơi các chị được trao trả về với cách mạng năm 1973. Hai năm gần đây, do điều kiện sức khoẻ không cho phép nên các chị không tổ chức các chuyến đi xa, dài ngày.

Viết lại câu chuyện trên để một lần nữa khẳng định: Trong bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh nào, lòng trung hậu vẫn luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam và đó cũng là một trong bốn phẩm chất đạo đức phụ nữ mà Đề án 343 đang tập trung tuyên truyền.

Nhật Quang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây