Xuất hiện từ năm 1989, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, phong trào phụ nữ “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” trong nữ công nhân lao động là sự tiếp nối truyền thống tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới. Phong trào "Phụ nữ hai giỏi" ngày càng khẳng định được ý nghĩa to lớn khi đáp ứng được những yêu cầu bức xúc mà xã hội đặt ra đối với nữ công nhân lao động trong thời kỳ đổi mới đất nước, góp phần hình thành đội ngũ nữ công dân ưu tú, vừa “giỏi”, vừa “đảm”, đủ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ CNH - HĐH đất nước. Nội dung của phong trào là khơi dậy trong chị em nữ công nhân lao động tinh thần Thi đua lao động và công tác giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; Tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế đất nước; Tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, học giỏi, thực hiện tốt chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc. Tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội; Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng. Phong trào “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” ngắn gọn, hàm súc nhưng có sức khái quát cao, qua hơn 20 năm triển khai đã đạt được những hiệu quả thiết thực, mang giá trị cổ vũ động viên rất lớn, đã đánh thức được những tiềm năng to lớn trong mỗi người phụ nữ, giúp chị em thêm bản lĩnh, tự hào và tự tin vươn lên thành đạt trong cuộc sống.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển và hội nhập của đất nước, những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của thời kì mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ. Một số giá trị tốt đẹp về phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam có phần bị mai một. Nhận thức của một bộ phận người dân, phụ nữ về vai trò, chức năng giáo dục của phụ nữ trong gia đình còn hạn chế; trách nhiệm của mỗi cá nhân - trong đó người phụ nữ đóng vai trò quan trọng - xây dựng gia đình hạnh phúc có xu hướng bị xem nhẹ...
Xuất phát từ thực tiễn và thực hiện Nghị quyết của Đảng, của TW Hội LHPN Việt Nam, qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, khảo sát, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đông đảo các tầng lớp phụ nữ và nhân dân, Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam kỳ họp thứ X (khoá X) đã quyết nghị lựa chọn 4 phẩm chất đạo đức: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang để triển khai tuyên truyền, học tập, rèn luyện trong toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ. Đồng thời với việc tuyên truyền giáo dục 4 phẩm chất đạo đức đó, Phong trào "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" tiếp tục được triển khai sâu rộng trong nữ CBCC-VC và người lao động.
Trong truyền thống của người Á Đông, đặc biệt là người Việt Nam ta, thì dù xã hội có phát triển đến mức nào đi nữa, người phụ nữ vẫn mang thiên chức là người quan trọng nhất trong việc "xây tổ ấm”. Vì thế, làm sao để cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp là một điều hết sức cần thiết cho người phụ nữ đương thời. Dù để làm được điều này, họ đã phải đấu tranh rất nhiều, hy sinh không nhỏ.
Đã qua rồi cái thời người phụ nữ quanh quẩn trong xó bếp, với công việc thường ngày là cơm nước, giặt giũ, con cái… Những nữ doanh nhân thành đạt trên thương trường, những nữ tiến sĩ thành công trong khoa học, những nữ nhà báo, những nữ văn nghệ sĩ nổi tiếng... bây giờ đã không còn là chuyện hiếm. Họ là những người phụ nữ thành đạt, song với “đôi gánh” Gia đình và Sự nghiệp, họ vẫn đang luôn phải trăn trở, băn khoăn trước sự lựa chọn gia đình hay sự nghiệp. Bởi thật khó mà vẹn tòan cho cả hai vế, và không ít người phụ nữ thành đạt, công danh sự nghiệp rạng ngời mà con cái hư hỏng, nghiện ngập, gia đình thì lục đục... Nếu lâm vào hòan cảnh đó, họ sẽ không bao giờ là người thành công hay hạnh phúc trước dư luận xã hội.
Người phụ nữ ngày nay đang phải chịu nhiều áp lực, nên phải biết cân bằng giữa công việc và gia đình. Bởi theo quan niệm của đại đa số người Việt Nam thì người phụ nữ dù có có chức vụ cao đến đâu, có làm ra nhiều của cải tiền bạc đến mấy thì vẫn không thể xem là thành đạt nếu gia đình họ không trọn vẹn, không hạnh phúc, êm ấm, con cái không được chăm sóc tốt hay hư hỏng...
Thiên về gia đình, tự biến mình thành người phụ nữ nội trợ hay dành phần lớn thời gian cho công việc, cho sự thăng tiến trong nghề nghiệp… những người phụ nữ như vậy đều khó lòng đạt được hạnh phúc. Chìa khóa để họ thành công và hạnh phúc chính là tìm được sự cân bằng trong cuộc sống, nhưng không phải mọi người đều dễ dàng làm được điều đó. Nguyên tắc chung của sự cân bằng ấy là không quan tâm thiên về phía nào, không theo chủ nghĩa công việc, cũng không hy sinh tất cả cho gia đình. Giống như một người với gánh nặng trên vai, hai đầu gánh đều rất nặng mà vẫn giữ được cân bằng, hơn nữa còn có thể bước đi thoăn thoắt, nhẹ nhàng. Để gánh được gánh nặng ấy một cách thăng bằng, cần có kiến thức để xử lý gánh nặng công việc và gánh nặng gia đình một cách hài hòa khi ấy họ mới thực sự trở thành người phụ nữ hạnh phúc và thành đạt.
Phương Nghi