Nghiện ma túy có thể phòng ngừa và điều trị

Thứ năm - 03/07/2014 00:00 50 0
Tình hình sử dụng ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, số người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, đặc biệt là loại ma túy đá đang ở mức báo động. Đây là loại ma túy tổng hợp cực mạnh, nó gây ra ảo giác, làm mất khả năng kiểm soát hành vi, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, nó tàn phá một bộ phận giới trẻ.

Cuộc chiến chống ma túy đã được thực hiện bằng nhiều biện pháp và bước đầu phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích, bảo vệ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; tổ chức đấu tranh chống các tội phạm về ma túy và sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội, nghiệp vụ để tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; kết hợp phòng, chống tệ nạn ma túy với phòng, chống các loại tội phạm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.

Những năm qua, công tác điều trị cho người nghiện luôn được quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành. Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các Trung tâm với lộ trình phù hợp. Điều trị nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của Tòa án nhân dân. Tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp tại cộng đồng.

Nhà nước đầu tư nguồn lực và có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác dự phòng và điều trị nghiện; hỗ trợ điều trị nghiện cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn. Các đối tượng khác do cá nhân và gia đình người nghiện có trách nhiệm tham gia, đóng góp.

Sự thay đổi cách nhìn nhận đối với vấn đề nghiện ma túy quan trọng nhất chính là người nghiện ma túy trước đây bị coi là tệ nạn xã hội thì từ nay được coi là người bị bệnh mãn tính. Sự ứng xử với họ trước đây là trừng phạt, là cách ly xã hội, là cai nghiện bắt buộc, còn hiện nay thực hiện điều trị nghiện bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là tự nguyện, nếu nghiện mà có những hành vi xấu ảnh hưởng đến xã hội thì điều trị nghiện bắt buộc thông qua xét xử và phán quyết của tòa án ma túy cấp huyện.

Đặc biệt, chương trình điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone đã được chứng minh là có hiệu quả không chỉ đối với người nghiện ma túy mà cả với gia đình, cộng đồng và xã hội. Tính đến tháng 4/2014, chương trình điều trị Methadone đã được triển khai tại 32 tỉnh, thành phố với 88 cơ sở điều trị cho 17.062 bệnh nhân. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều trị 30.850 bệnh nhân bằng thuốc Methadone trong năm 2014 và năm 2015 là 81.047 bệnh nhân. Mục tiêu điều trị Methadone cho hơn 81 nghìn bệnh nhân người nghiện ma túy đến năm 2015 là một mục tiêu rất quan trọng, đây là nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, của Bộ Y tế và 61 tỉnh thành được giao nhiệm vụ.

MN (TH)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây