Quá trình hình thành Tây Ninh

Thứ sáu - 09/09/2016 16:00 1.074 0
Người Việt và các cộng đồng dân cư mới trong lịch sử khai khẩn vùng đất Tây NinhTrước thế kỷ XVI, vùng đất Tây Ninh vẫn còn là một vùng hoang sơ, chưa được khai phá. Đến thế kỷ XVII, những lớp lưu dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng - Đàng Trong vào vùng Đồng Nai - Gia Định khai khẩn ruộng vườn, lập làng dựng ấp. Chính sự hiện diện của những lớp lưu dân người Việt với các hoạt động khai khẩn đất đai, phát triển sản xuất đã hình thành và phát triển vùng đất Tây Ninh.

nuibaxua.jpg

Một ngôi làng ở huyện Trảng Bàng (Hình vẽ năm 1865).

Những lớp cư dân người Việt đã tụ cư tại Xóm Ràng (thuộc huyện Củ Chi, Tp.HCM ngày nay), sau đó tỏa dần lên, dừng chân ở các vùng đất ven sông Vàm Cỏ. Các nhóm cư dân này sống rải rác ở Lò Mo, Trà Vơn, Tha La, Trường Đà (các địa danh thuộc tổng Hàm Ninh cũ, nay là huyện Trảng Bàng), rồi dần phát triển thành những xóm rộng lớn hơn như: xóm Vàm Cỏ, xóm Rừng, xóm Gàu, xóm Tôn, xóm Giồng Nổi. Qua quá trình khai phá đất đai, phát triển sản xuất của những nhóm lưu dân người Việt ấy, năm 1809, làng Bình Tịnh (nay là xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) được thành lập.

thuyen.jpg

Rạch Tây Ninh xưa.

Một lực lượng người Việt quan trọng khác trong buổi đầu khai phá vùng đất Tây Ninh là 720 lính biên cảnh, 05 đội thuyền với 15 chiếc do chúa Nguyễn bố trí dọc theo sông Vàm Cỏ vào giữa thế kỷ XVIII. Theo gót lực lượng lính biên cảnh này, những cụm dân cư dần mọc lên dọc theo sông Vàm Cỏ, ven sông Khe Lăng (rạch Tây Ninh) hoặc bến Tầm Long (huyện Châu Thành ngày nay)... Bắt đầu từ những điểm tụ cư ven sông rạch, cư dân người Việt đã mở rộng khai khẩn những vùng đất thấp, tạo nên vùng đất trù phú, ruộng vườn phì nhiêu.

Đội quân thợ rừng, thợ mộc cũng góp phần đáng kể. Năm 1789, Chúa Nguyễn cho mộ người ra các nậu khai thác lâm thổ sản như nậu dầu rái, dầu trắm, đèn nến, mây sắt, mây nước, lá bông,...

Theo đó, cư dân người Việt đến Tây Ninh ngày một đông hơn, hình thành các ấp, cứ 10 nhà làm 01 ấp nhỏ, 50 nhà làm một ấp lớn.

Đến những năm đầu thế kỷ XIX, có nhiều đợt nhập cư và hàng loạt cuộc khai thác quy mô lớn trên nhiều địa bàn thuộc vùng đất Tây Ninh. Đặc biệt, từ khi Triều Nguyễn mở con đường Thiên lý, còn gọi là "Thiên lý cù" hay "con đường sứ" phía Tây thành Gia Định đi qua vùng đất Tây Ninh. Theo đó, nhiều cụm cư dân được hình thành. Nổi bật là năm 1818, ông Đặng Văn Trước cùng một số hộ dân từ tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương (huyện Củ Chi ngày nay) đến làng Bình Tịnh xin đất, chiêu dân lập nên thôn Phước Lộc (nay là Thị trấn Trảng Bàng và xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng), đào kênh, xây chợ Trảng Bàng.

denongca.jpg

Đền thờ Ông cả Đặng Văn Trước tại Thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng.

Vào thời vua Thiệu Trị, triều đình đã có nhiều chính sách di dân, khẩn hoang tích cực, từ đó người Việt đến Tây Ninh ngày càng nhiều. Triều đình cho lính thú, lính tỉnh lên trấn giữ và làm nòng cốt tập hợp dân xiêu tán thành từng làng, từng ấp. Đồng thời, thực hiện chính sách sử dụng quân phạm vào việc khẩn hoang, lập đồn điền ở đây. Trong một thời gian ngắn, vùng Tây Ninh đã có thêm 360 mẫu ruộng từ khai thác đất hoang và 26 thôn, xã mới hình thành.

Cùng với các cộng đồng dân cư khác, cộng đồng người Khmer cũng đến Tây Ninh chung sống đoàn kết và góp phần khai khẩn đất đai, phát triển sản xuất. Theo "Gia Định thành thông chí", ở bến Tầm Long (huyện Châu Thành), "người Khmer ở trong thuộc hạt nước ta chung lộn với người Việt vốn là vùng rừng rú rậm rịt". Đến năm 1836, khi vua Minh Mạng lập phủ Tây Ninh, trong phủ có một số thôn người dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer.

Cùng với người Việt và người Khmer, sự hiện diện của cộng đồng người Hoa cũng đã góp phần vào quá trình khai phá vùng đất Tây Ninh.

Dọc theo rạch Vàm Bảo của huyện Bến cầu và một số nơi ở Hòa Thành, Châu Thành, người Hoa đã định cư khá lâu đời. Những dãy phố cổ của người Hoa tại Thị trấn Trảng Bàng, Thị trấn Gò Dầu và thành phố Tây Ninh ngày nay... cũng ghi dấu của người Hoa trong lịch sử hình thành các điểm tụ cư, đặc biệt là các khu dân cư đô thị xưa của Tây Ninh.

thixuatn.jpg

Một góc phố trên đường Gia Long trước đây (nay là đường Cách mạng Tháng 8, phường 2, thành phố Tây Ninh) - Nơi nhiều người Hoa sinh sống.

Cộng đồng người Chăm đến vùng đất Tây Ninh vào giữa thế kỷ thứ XVIII, đến nay họ đã sống ổn định, hình thành nên cộng đồng cư dân Chăm tỉnh Tây Ninh. 

cngdonghcam.jpg

Xóm Chăm ở Tây Ninh (Ảnh chụp 1931).



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây