Tại Tây Ninh, trước tình trạng phụ nữ xuất cảnh ra nước ngoài ồ ạt, bất thường, mục đích chủ yếu là đi lấy chồng ngoại hoặc tìm việc làm có thu nhập cao. Theo thông tin từ Công an tỉnh, từ năm 2005, tình trạng này tuy có xu hướng giảm, nhưng lại xuất hiện các loại tội phạm thường xuyên dụ dỗ phụ nữ bán ra nước ngoài nhằm thu lợi bất chính. Đến nay, tình hình tội phạm MBN đang diễn biến hết sức phức tạp, có sự gia tăng về quy mô với tính chất ngày càng nguy hiểm. Bọn tội phạm MBN sử dụng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và mang tính chất quốc tế. Từ năm 2005 - 2014, lực lượng Công an tỉnh Tây Ninh đã triệt phá thành công nhiều vụ án MBN, giải cứu 475 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Tây Ninh đã triệt phá 4 đường dây MBN, bắt 42 đối tượng, giải cứu 26 nạn nhân.
Tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự (BLHS) quy định hành vi MBN và các hành vi trực tiếp liên quan đến việc MBN mà Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liệt vào danh sách các hành vi buôn bán người. Đây được xem là nhóm hành vi cốt lõi cần phòng, chống mà Luật PCMBN nghiêm cấm. Những hành vi phạm tội được quy định trong BLHS có thể là hành vi mua bán người đơn lẻ hoặc mang tính đồng phạm dưới dạng đơn giản hoặc có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp xảy ra trong nước hoặc xuyên quốc gia mà cũng có thể là hành vi phạm một tội khác theo quy định của BLHS nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với hành vi MBN. Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính khái quát cao và bao quát toàn bộ lĩnh vực phòng, chống MBN nhằm thực hiện một cách thuận lợi, có hiệu quả và xử lý nghiêm đối với những người vi phạm.
Liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phòng, chống MBN, Điều 3 Luật PCMBN quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: lợi dụng hoạt động phòng, chống MBN để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật; cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống MBN; trả thù, đe dọa trả thù người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống MBN; .... Ngoài ra còn có các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến nạn nhân, như: kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân; tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc của người đại diện hợp pháp của nạn nhân; giả mạo là nạn nhân…
Để công tác phòng, chống tệ nạn MBN đạt hiệu quả, Luật PCMBN đã xác định rõ những nguyên tắc cơ bản của việc phòng, chống MBN, vì đây là những tư tưởng chính trị - pháp lý quan trọng chỉ đạo toàn bộ hoạt động phòng, chống MBN, đồng thời làm cơ sở cho việc quy định cụ thể các nội dung hoạt động phòng, chống MBN trong các chương, mục tiếp theo sau của Luật. Vì thế, Điều 4 của Luật PCMBN đã ghi rõ các nguyên tắc phòng, chống mua bán người, trong đó nguyên tắc đầu tiên được khẳng định là thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 3 Luật PCMBN.
Từ nhận thức, phòng, chống MBN là một hoạt động hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác này. Hơn nữa, hiệu quả của hoạt động phòng, chống MBN không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của Nhà nước mà còn phụ thuộc đáng kể vào sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách huy động các lực lượng xã hội tham gia phòng, chống MBN. Tại Điều 5 của Luật PCMBN, đáng chú ý là chính sách kết hợp phòng, chống MBN với việc thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Luật cũng ghi nhận chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống MBN và hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt là chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật để tham gia thực hiện hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về.
Bên cạnh đó, về phát hiện hành vi vi phạm, nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố giác, báo tin, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người tại Điều 19. Điều này cũng quy định không khống chế về hình thức báo tin, tố giác vi phạm, điều đó có nghĩa là người dân có thể sử dụng bất kỳ hình thức nào mà họ thấy thuận tiện như: trực tiếp bằng miệng, qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc gửi văn bản…. Cùng với việc quy định trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống MBN thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan, tổ chức, Điều 21 cũng nhấn mạnh trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ của lực lượng phòng, chống MBN trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển).
Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống MBN nói riêng đã được Bộ luật tố tụng hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật quy định khá đầy đủ và cụ thể. Luật PCMBN chỉ dừng lại ở một số quy định mang tính nguyên tắc về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người kèm theo viện dẫn sang các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đồng thời phân biệt rõ việc xử lý đối với các loại đối tượng được căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm pháp luật về phòng, chống MBN có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, hoặc phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ đối với đối tượng giả mạo là nạn nhân bị mua bán.
T.G