Quyết tâm thực hiện Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 nghiêm túc, công bằng, khách quan

Thứ ba - 14/05/2019 10:00 73 0
Sáng ngày 14/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo thi Trung học Phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 với Ban Chỉ đạo thi THPT năm 2019 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm rà soát công tác chuẩn bị, trao đổi, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 chủ trì hội nghị.

TTBGD140519.jpg

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Mai Thị Lệ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,  Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT năm 2019 tỉnh chủ trì hội nghị.

Theo lãnh đạo Cục quản lý chất lượng, đây là năm thứ 5, Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi năm 2019 có hai điểm mới, một là nội dung đề thi năm 2019 đều trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Nội dung mới thứ hai là tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT là 70:30 (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp và 30% điểm trung bình cả năm lớn 12 của thí sinh) thay vì tỷ lệ 50:50 như trước đây để tăng ý nghĩa, tính chất của Kỳ thi quan trọng này.

Nhằm đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng, kết quả có độ tin cậy, chủ động phòng ngừa phát hiện các sai phạm, gian lận trong Kỳ thi năm nay sẽ thực hiện một số điều chỉnh về tổ chức và kỹ thuật trong tất cả các khâu tổ chức thi. Cụ thể là phát huy vai trò của các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức thi với quan điểm đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm đối với hệ thống giáo dục đào tạo, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của trường qua công tác tuyển sinh. Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi; thực hiện nghiêm túc công tác in sao, lưu trữ, vận chuyển đề thi đảm bảo 3 vòng độc lập tuyệt đối bảo mật an toàn, có camera an ninh giám sát 24/24h, có lực lượng công an trực an ninh bảo vệ 24/24h. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ coi thi, công tác chấm thi, khu vực chấm thi có camera giám sát. Công tác chấm bài tự luận (ngữ văn) do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Chấm thi trắc nhiệm do các trường đại học chủ trì.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị thông suốt, đúng theo kế hoạch. Theo thống kê, tính đến ngày 10/5/2019, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi là 887.143 hồ sơ, trong đó có 26,38% hồ sơ đăng ký dự thi chỉ xét công nhận tốt nghiệp, 3,4% hồ sơ đăng ký chỉ đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Riêng với tỉnh Tây Ninh, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 8.751 thí sinh, trong đó có 618 thí sinh đăng ký xét tốt nghiệp THPT, 285 thí sinh dự xét đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên. Trường Đại học Văn Lang Tp.HCM và Trường Cao đẳng sư phạm Bình Phước là hai trường sẽ phối hợp với tỉnh thực hiện kỳ thi năm nay. Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai là đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Tây Ninh. Tây Ninh có nhiều thuận lợi trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi ở địa phương, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố. Học sinh Tây Ninh có sự chuẩn bị tốt về kiến thức, ổn định về tâm lý sẵn sàng bước vào kỳ thi. Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 ở Tây Ninh được tiến hành thuận lợi, đúng tiến độ, đảm bảo theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong thời gian từ nay đến kỳ thi, Ban Chỉ đạo trung ương đề nghị Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh tập trung chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh; phân công, phân nhiệm rõ ràng đối với từng thành viên Ban Chỉ đạo; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo trước, trong và sau kỳ thi; chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi và phối hợp tốt với các trường đại học, tăng cường công tác truyền thông về thi và tuyển sinh tạo sự đồng thuận của xã hội, nâng cao nhận thức, không gian lận trong thi cử. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi, an ninh an toàn thực phẩm, quan tâm đến thí sinh khó khăn, không để thí sinh nào bị lỡ thi do gặp hoàn cảnh khó khăn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, để kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, đạt kết quả cao, các địa phương cần quan tâm tập huấn cho đội ngũ cán bộ giáo viên nắm thật chắc quy chế; đặc biệt quan tâm chuẩn bị kỹ các điều kiện tổ chức thi, lựa chọn đội ngũ cán bộ đảm bảo nghiêm túc, trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ cao, trong đó, lưu ý có phương án đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, khu vực tổ chức thi; Ban chỉ đạo phân công rõ người, rõ việc, rõ quy trình; thực hiện công tác thanh tra kiểm tra, và có sự phối hợp thật tốt giữa địa phương và trung ương.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 nhận định, qua ý kiến của các địa phương cho thấy các địa phương đã có quyết tâm rất cao cùng với Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Kỳ thi và xét tuyển đảm bảo công bằng, khách quan, nghiêm túc. Bộ trưởng nhấn mạnh, tuyệt đối không được chủ quan, khâu thanh tra, kiểm tra phải được coi trọng. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác tập huấn để thành viên Ban Chỉ đạo hiểu rõ chức năng nhiệm vụ và quy trình phối hợp. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi, các địa phương cần dành thời gian những nhiệm vụ nêu trên.

Về thực hiện công tác truyền thông, Bộ trưởng cho rằng "không ai làm tốt công tác truyền thông bằng chính các thầy các cô, bằng cách tư vấn tâm lý cho học sinh, tạo sự an tâm cho phụ huynh, giảm căng thẳng cho kỳ thi", cho học sinh bước vào kỳ thi một cách nhẹ nhàng, giảm áp lực, an toàn, công bằng, khách quan, tạo niềm tin trong xã hội, thực hiện công tác đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Quỳnh Như


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây