Sáng 23.12 sẽ tuyên án 23 bị cáo trong đường dây “chăn dắt” tiếp viên

Thứ tư - 18/12/2013 00:00 66 0
Trong phần thẩm vấn, các bị cáo đều cho rằng chính các tiếp viên tự tìm đến các bị cáo xin việc và mượn nợ...

 

Các bị cáo tại phiên tòa

Sau 2 ngày xét xử (16-17.12.2013) tại TAND tỉnh, phần tranh luận của vụ án “Mua bán người”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “cho vay lãi nặng” và “Bắt giữ người trái pháp luật” đối với 23 bị cáo trong đường dây “chăn dắt” tiếp viên karaoke đã kết thúc. Hội đồng xét xử cho biết sẽ tuyên án vào sáng 23.12.

Đây là vụ án được sự quan tâm của dư luận xã hội, bởi khi phá án vào năm 2012, Công an Tây Ninh đã giải cứu cho hàng chục nạn nhân bị các đối tượng bán sang tận huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước để làm tiếp viên karaoke.

 Do cuộc sống khó khăn, một số phụ nữ tại địa phương chấp nhận làm tiếp viên tại các quán karaoke trên địa bàn và sống nhờ vào tiền “bo” của khách. Nhưng muốn có chỗ làm việc thì những tiếp viên này phải lệ thuộc hoàn toàn vào những kẻ hành nghề bảo kê chăn dắt tiếp viên.

Trong đó, các bị cáo nói trên đã cho các tiếp viên vay với lãi suất 20%/tháng nhằm sau đó buộc làm tiếp viên đi tiếp khách kiếm tiền “bo” để trừ nợ.

Nếu các tiếp viên tự ý bỏ việc sẽ bị tính mức phạt: từ thứ hai đến thứ sáu (phạt 100.000 đồng), thứ bảy và chủ nhật (200.000 đồng), ngày lễ tết (500.000 đồng). Nếu bỏ trốn, khi bị bắt lại, tiếp viên phải trả thêm tiền chi phí và tiền phạt, và mức chi phí này sẽ nhập chung vào vốn vay và tiếp tục được tính lãi.

Khi các tiếp viên nợ quá nhiều, không có khả năng chi trả thì những kẻ chăn dắt này đem tiếp viên ra mua bán "sang tay". Số tiền mua đi bán lại các con nợ này thường là bằng hoặc cao hơn số tiền tiếp viên đã nợ. Chủ mới sau đó cũng cưỡng ép vay tiền lãi suất 20%/tháng và cũng áp dụng các thủ đoạn tương tự.

Bị cáo Nguyễn Trường Sơn tại phiên tòa

 Trong phần thẩm vấn, các bị cáo đều tìm cách chối tội mua bán người và cưỡng đoạt tài sản, cho rằng chính các tiếp viên tự tìm đến các bị cáo xin việc và mượn nợ. Khi các tiếp viên đến chỗ khác làm cho chủ mới đã “tự nguyện” mượn tiền chủ mới đem trả nợ cho chủ cũ, chứ các bị cáo không có trao đổi mua bán!? Riêng số tiền phạt thì các bị cáo cho rằng chỉ ghi trên sổ sách cho các tiếp viên “sợ” mà không nghỉ làm, thực tế chưa thu tiền phạt của tiếp viên nào.

Đại diện Viện KSND tỉnh đã đề nghị mức hình phạt dành cho các bị cáo cụ thể như sau: Nguyễn Trường Sơn 12-16 năm tù về các tội mua bán người, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật và cho vay lãi nặng; Nguyễn Trường Ân 11- 14 năm tù; Trần Thị Cơ 4- 7 năm tù; Lê Thị Hồng 5- 7 năm tù. Các bị cáo còn lại gồm Lê Văn Phúc, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Nguyễn Song Tùng, Lê Thành Phúc, Nguyễn Thị Minh Lý, Đoàn Thị Kim Linh, Võ Phú Cương, Đặng Thanh Sang, Hứa Thị Mai Phương, Lê Thị Phúc, Trần Hoàng Linh, Nguyễn Văn Toàn, Dương Văn Tài, Võ Thanh Sang, Phạm Ngọc Thới, Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Văn Tính và Phạm Văn Chẩn bị đề nghị mức án từ 20 tháng tù cho hưởng án treo đến 11 năm 9 tháng tù.

Theo BTNO

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây