Sự tham gia của cá nhân và gia đình trong phòng ngừa mua bán người

Thứ ba - 09/12/2014 00:00 45 0
Trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người thì mỗi cá nhân, gia đình có vai trò quan trọng. Từng cá nhân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc phòng ngừa để không trở thành nạn nhân bị mua bán, đồng thời, cũng cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa tội phạm này, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống.

 

 

Xuất phát từ nhận thức trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người thì mỗi cá nhân, gia đình có vai trò quan trọng, từng cá nhân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc phòng ngừa để không trở thành nạn nhân bị mua bán, đồng thời, cũng cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa tội phạm này, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Do đó, các cá nhân cần tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người, kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người và cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng mà công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người hướng trọng tâm đến. Chính vì vậy, để góp phần trong công tác phòng, chống buôn bán người, mỗi gia đình có trách nhiệm tạo môi trường sống lành mạnh, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, quan tâm, giúp đỡ nhau, can ngăn thành viên gia đình tham gia thực hiện hành vi mua bán người hoặc các hành vi khác liên quan đến mua bán người. Chăm sóc, giúp đỡ thành viên gia đình nạn nhân bị mua bán để họ hoà nhập cuộc sống vì hơn ai hết, gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất về tinh thần. Có sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội thực hiện phòng, chống mua bán người. Nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia phòng ngừa mua bán người sẽ quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên; tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng, chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học. Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên, học viên là nạn nhân học văn hóa, học nghề, hòa nhập cộng đồng.

Mặc dù trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em (như về chính sách pháp luật; thi hành pháp luật; hợp tác quốc tế...) nhưng tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Mặt khác, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo càng sâu sắc, tình trạng thiếu việc làm vẫn còn gay gắt ở một số địa bàn. Bên cạnh đó, việc giáo dục trong phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được chú trọng đúng mức, một bộ phận thanh thiếu niên bị cuốn hút vào đời sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật, dễ xảy ra một bộ phận trẻ em thất học dễ bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt. Công tác truyền thông chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng mà chỉ mới dừng lại ở một số địa bàn trọng điểm và vào các đợt cao điểm, đôi lúc còn dàn trải, chưa lồng ghép với thực hiện chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương, chưa chú ý phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống mua bán người.  

Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, bọn tội phạm thường lợi dụng sơ hở trong một số lĩnh vực hoạt động để mua bán người, như: hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch, ......vì thế, để ngăn ngừa có hiệu quả việc mua bán người, mỗi cá nhân và gia đình cần tham gia vào việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, như tố giác, tố cáo, báo tin về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; giải quyết các tin báo, tố giác, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người. Các cá nhân có thể tố giác, báo tin về vi phạm với cơ quan Công an, UBND cấp xã hoặc bất kỳ cơ quan, tổ chức nào và không khống chế về hình thức báo tin, tố giác vi phạm, điều đó có nghĩa là người dân có thể sử dụng bất kỳ hình thức như trực tiếp bằng miệng, qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc gửi văn bản….

                                                                                                           Liên Phương

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây