Các tổ chức thực hiện khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác theo quy định sẽ bị phạt tối đa 2 tỷ đồng - Ảnh minh họa |
Ngày 20/6/2012, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua đã có nhiều thay đổi về hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã bổ sung nhiều quy định mới về điều tra cơ bản và quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo vệ nguồn sinh thủy, hành lang bảo vệ nguồn nước; các quy định về hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa; phòng, chống xâm nhập mặn; phòng, chống sụt lún đất và phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông ...
Luật Khoáng sản năm 2010 với nhiều nội dung quy định đã được điều chỉnh theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng khoáng sản, xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và quy định hầu hết các trường hợp trước khi cấp phép hoạt động khoáng sản phải thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trên cơ sở đó, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã có nhiều điều chỉnh đáng chú ý.
Phạt nặng đối với các vi phạm nghiêm trọng
So với các quy định cũ, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP đã tăng mức phạt tiền tối đa những vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.
Với những vi phạm của cá nhân trong lĩnh vực khoáng sản, mức phạt tối đa tăng mạnh, từ 100 triệu đồng lên 1 tỷ đồng và tổ chức vi phạm có thể bị phạt đến 2 tỷ đồng. Cụ thể, một số hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực tài nguyên nước bị phạt tiền tới mức tối đa là: Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên, xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 300.000 m3/ngày đêm trở lên;
Xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất;
Xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước; không thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố do hành vi vi phạm gây ra gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng;
Không thực hiện vận hành hồ chứa để cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa; không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác.
Đối với lĩnh vực khoáng sản, cá nhân vi phạm hành vi khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hoặc khai thác vượt quá 100% trở lên so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản đối với vàng, đá quý, bạc, platin, khoáng sản độc hại cũng sẽ bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng, mức phạt sẽ là 2 tỷ đồng đối với vi phạm của tổ chức.
Hình thức và mức xử phạt được xây dựng căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm nên sẽ bảo đảm được tính khả thi, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước và khoáng sản.
Bổ sung chế tài
Để bảo đảm thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Tài nguyên nước năm 2012 với nhiều quy định mới về nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các hành vi bị nghiêm cấm cũng như thực tiễn vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP đã bổ sung, quy định cụ thể rất nhiều hành vi vi phạm hành chính mới.
Theo đó, trong lĩnh vực tài nguyên nước, tùy theo mức độ vi phạm, hành vi vi phạm các quy định về điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Hành vi vi phạm quy định về hồ chứa, về bảo vệ nguồn nước; về ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước sẽ bị phạt tiền đến 250 triệu đồng.
Hành vi vi phạm các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước sẽ bị phạt tiền tối đa đến 180 triệu đồng.
Trên đây là mức phạt đối với cá nhân, với tổ chức vi phạm, mức phạt tăng gấp đôi.
Đối với lĩnh vực khoáng sản, nhiều hành vi vi phạm mới của cá nhân có mức phạt tiền cao. Trong đó, đáng chú ý, các hành vi vi phạm quy định về thăm dò khoáng sản độc hại sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép thăm dò khoáng sản từ 12 tháng đến 16 tháng.
Hành vi vi phạm quy định về chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
Theo Điều 38, hành vi không thực hiện các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi đất đai xác định trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hành vi không lập đề án đóng cửa mỏ đối với các trường hợp đã quy định tại Điều 73 Luật khoáng sản, hành vi tháo dỡ, phá hủy các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản khi giấy phép đã chấm dứt hiệu lực sẽ bị phạt tiền tối đa đến 300 triệu đồng.
Ngoài ra, trường hợp cá nhân vi phạm quy định đối với quyền lợi hợp pháp của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng...
Nếu tổ chức vi phạm các hành vi trên thì mức phạt tiền tăng gấp đôi.
Đồng thời, thực tiễn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã cho thấy, ngoài việc bổ sung hành vi vi phạm thì cần có thêm các biện pháp khắc phục hậu quả để bảo đảm khôi phục lại trật tự quản lý hành chính Nhà nước do vi phạm hành chính gây ra.
Nghị định số 142/2013/NĐ-CP đã bổ sung nhiều biện pháp khắc phục hậu quả mới như: Buộc thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác khoáng sản về trạng thái an toàn; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hư hỏng hạ tầng kỹ thuật; thực hiện việc nâng cấp, duy tu, xây dựng đường giao thông; buộc giao nộp mẫu vật, thông tin về khoáng sản cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản; buộc nộp lại toàn bộ khối lượng khoáng sản hoặc giá trị bằng tiền có được do việc khai thác ngoài diện tích khu vực khai thác; do khai thác vượt quá công suất được phép khai thác gây ra; buộc cải chính thông tin, dữ liệu sai lệch do thực hiện hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Tăng thẩm quyền xử phạt
Bên cạnh việc nâng thẩm quyền phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính so với các Nghị định cũ, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP đã bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có quyền phạt tiền đến 2 tỷ đồng;
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền phạt tiền đến 350 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; phạt tiền đến 500 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản;
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền phạt tiền đến 100 triệu đồng.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
Nghị định số 142/2013/NĐ-CP có hiệu lực sẽ góp phần phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng trong hoạt động tài nguyên nước và khoáng sản trong giai đoạn mới.
Theo chinhphu.vn