Triển khai thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư và tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả công tác PCCC theo Kế hoạch số 04-KH/TU ngày 02/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1248/KH-UBND ngày 17/5/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an toàn PCCC; triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lan, cháy lớn xảy ra trong phạm vi cơ quan đơn vị, địa bàn quản lý... trong các ngày nghỉ, ngày lễ, tết phải bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và chuyên ngành theo phương châm "bốn tại chỗ"; dành một phần ngân sách bố trí kinh phí cho các hoạt động về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhất là kinh phí trang bị phương tiện, trang phục chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng tại chỗ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có rừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và cảnh báo các cấp nguy cơ cháy rừng... tổ chức kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp PCCC rừng; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực, rà soát bổ sung phương án chữa cháy và tổ chức thực tập phương án chữa cháy rừng theo quy định.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền, khuyến cáo và cảnh báo các nguy cơ xảy ra cháy, nổ để chủ động phòng ngừa; công khai phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng về PCCC của các tổ chức, cá nhân; đổi mới nội dung, hình thức và cách thức tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ; chủ động biên soạn tài liệu về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ gửi các ngành, đoàn thể địa phương để tuyên truyền; hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn khi có cháy, nổ và sự cố tai nạn xảy ra, nhất là tuyên truyền, hướng dẫn trong quần chúng nhân dân; đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức thực tập phương án, xử lý tình huống cháy, nổ và sự cố, tai nạn theo phương án đã được phê duyệt; thực hiện nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng, tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn hiệu quả; đảm bảo sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ và sự cố, tai nạn xảy ra.
Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này; quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, báo cáo về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để có chỉ đạo./.
ĐV