Tăng cường công tác quản lý trong sản xuất cá tra trên địa bàn tỉnh

Thứ năm - 31/05/2018 15:00 75 0

Hiện nay, do giá cá tra nguyên liệu, giá cá giống cao và ổn định từ đầu năm 2017 đã tạo đà cho người dân tập trung đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, việc người dân và doanh nghiệp tại một số địa phương tự phát ương, nuôi cá tra một cách ồ ạt; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đào ao ương, nuôi cá tra không theo quy hoạch của địa phương; sử dụng đàn cá bố mẹ kém chất lượng để sinh sản, ương, nuôi trong khi chưa được tập huấn về kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm sản xuất; chưa có liên kết để tiêu thụ sản phẩm, chưa nắm bắt rõ quy luật cung cầu v.v… có thể tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, gây mất cân bằng cung cầu; làm ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và bền vững của ngành hàng cá tra.

Để quản lý tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh; đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Ngày 30/5/2018, Chủ tịch UNBD tỉnh ban hành công văn yêu cầu thủ trưởng các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Tây Ninh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Triển khai thực hiện nghiêm các quy định có liên quan đến sản xuất cá tra tại các văn bản như Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra; trong đó đặt biệt lưu ý kiểm tra điều kiện sản xuất của tất cả các cơ sở nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra trên địa bàn tỉnh theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản; trong đó, đặt biệt lưu ý kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra trên địa bàn tỉnh theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, ương dưỡng giống cá tra theo quy định của pháp luật; Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 07/5/2016 về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số QCVN 02-20:2014/BNNPTNT về cơ sở nuôi cá tra trong ao - Điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/7/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra, chứng nhận và giám sát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh; Thông tư số 31/2015/TT-BNNPTNT ngày 06/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giám sát dư lượng các chất độc hại; Quyết định số 3379/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/8/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Sở Nông nghiệp và PNT phối hợp các ngành tiếp tục thực hiện việc đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm và hiệu quả sản xuất, cụ thể hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, nuôi rải vụ, thả nuôi với mật độ phù hợp trong ương, nuôi cá tra; chỉ sử dụng thuốc, hóa chất trong danh mục được phép lưu hành khi cần thiết và theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật; không sử dụng các loại thuốc, hóa chất không có trong danh mục được phép lưu hành; cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải, đặt biệt tại các vùng nuôi, sản xuất giống tập trung để kịp thời cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người nuôi và các đối tượng có liên quan; Tăng cường phổ biến thông tin thị trường và các rào cản kỹ thuật cho người nuôi. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra, bao gồm thị trường nội địa. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác để tạo thành các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; chỉ thả nuôi khi đã xác định được địa chỉ đầu ra hoặc có liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.

GH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây