Mục đích của Kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về hậu quả, tác hại của ma túy và yêu cầu công tác phòng, chống ma túy, từ đó tích cực tham gia tạo nên phong trào rộng khắp đấu tranh phòng chống nhằm kiềm chế, ngăn chặn, kéo giảm tội phạm về ma túy và người nghiện chất ma túy, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý và điều hành Nhà nước.
Kế hoạch tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy chính quyền đối với công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ đảng viên tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 29-Ctr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kết luận 95-KL/TW của Ban Bí thư; đưa nội dung phòng, chống ma túy vào nghị quyết định kỳ, nhiệm kỳ của chi bộ, đảng bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, góp phần đưa công tác phòng, chống ma túy được thường xuyên, liên tục và đi vào nề nếp, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng, chống ma túy.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc việc tổ chức thực hiện và xử lý nghiêm vi phạm, chú trọng việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, để xảy ra tình hình phức tạp về ma túy; quan tâm biểu dương, khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích nhằm khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia công tác phòng chống ma túy.
Triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa góp phần kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng số người nghiện chất ma túy, giảm cầu về ma túy.Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần tập trung hướng về cơ sở và với phương châm phòng ngừa là chính để lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy đến từng cơ quan, đơn vị và nhân dân, với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới..., giúp cho mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội nhận biết sự nguy hiểm, tác hại của ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới...đối với sức khỏe, hành vi con người và sự phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội..
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiểu quả Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy, Chương trình mục tiêu 4 giảm của Ủy ban nhân dân tỉnh và các Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai và nghiên cứu, triển khai ứng dụng các bài thuốc, phương pháp y học trong điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy”; phát huy, nhân rộng các mô hình phòng chống ma túy như “xây dựng xã, phường, cơ quan,d dơn vị không có ma túy”, “ Quản lý, giáo dục cong em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, các câu lạc bộ 4 giảm, gia đình hạnh phúc, chi hội không có người thân, chồng, con, nghiện ma túy....
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định, các đơn vị tăng cường đấu tranh rà soát, quản lý chặt chẽ số người nghiện và tội phạm ma túy tại các địa bàn trọng điểm ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trong nội địa để xử lý kịp thời, không bị động. Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện, chú trong mô hình dựa vào cộng đồng , các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và đầu tư kinh phí, nhân lực bảo đảm cho công tác dự phòng và điều trị nghiện. Sớm phê duyệt Đề án điệu trị nghiện các chất dạng thuộc phiện bằng thuốc thay thế Methadone để triển khai thực hiện; tiếp tục kiến nghị Trung ương có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Quan tâm kiện toàn bộ máy nhân sự, mua sắm các trang, thiết bị, phương tiện làm việc của Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh gắn với đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức...nhằm thực hiện tốt mô hình cai nghiện tập trung.
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, đoàn thể, chính quyền địa phương và gia đình người nghiện trong việc điều trị và quản lý, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, góp phần hạn chế tái nghiện, phát sinh người nghiện mới và vi phạm pháp luật trong các đối tượng này, tiến tới thu hẹp địa bàn có tệ nạn ma túy, giảm cầu về ma túy.
Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.
Cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên trách, lực lượng chức năng thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp mạnh tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới, cửa khẩu và trong nội địa, nhất là các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giớ; các tụ điểm, địa bàn giáp ranh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy....để triệt phá nhằm chuyển hóa, làm trong sạch địa bàn.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng cây có chứa chất ma túy; tập trung hoàn tất hồ sơ, thủ tục đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án về ma túy, góp phần răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong nhân dân.
Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan phòng, chống ma túy các cấp, phát huy vai trò các lực lượng nòng cốt, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Quan tâm củng cố, tăng cường biên chế làm công tác phòng, chống ma túy trong ngành Công an, Biên phòng, Hải quan, nòng cốt là lực lượng Công an các cấp, đồng thời ưu tiên hỗ trợ kinh phí hoạt động, mua sắm trang thiết bị phương tiện phục vụ nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng, lực lượng chuyên trách với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện chất ma túy, người sau cai nghiện và các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy ở địa phương.
Tăng cường quan hệ phối hợp, hợp tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng ở địa phương và giữa các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng của tỉnh với các tỉnh, thành giáp ranh để kịp thời đấu tranh, triệt phá các tụ điểm mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, tội phạm về ma túy, các đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy trong nội địa.
Tiếp tục củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh Tây Ninh với các tỉnh giáp biên của Vương quốc Campuchia, đồng thời phát huy tốt vai trò, hiệu quả hoạt động của Văn phòng liên lạc về phòng, chống và kiểm soát ma túy qua biên giới (viết tắt là BLO) Mộc Bài và Xa Mát, kịp thời trao đổi thông tin, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy từ bên ngoài vào nước ta qua cửa ngõ Tây Ninh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác ngăn chặn, giảm lượng ma túy thẩm lậu.
MN