Tăng cường trang bị sách cho cơ sở

Thứ tư - 13/11/2013 00:00 44 0
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong những năm gần đây có một số bộ, ngành đã và đang triển khai thực hiện các đề án, dự án trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là tới các xã thuộc 69 huyện nghèo của cả nước từ nguồn kinh phí nhà nước.

 

 

Cụ thể là Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật triển khai; các dự án, đề án khác liên quan đến hoạt động xuất bản và phát hành sách đến cơ sở trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì. Dự án “xuất bản phẩm theo chuyên đề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Mô hình tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn do Bộ Tư pháp chủ trì; Ngoài ra còn có các chương trình, dự án cung cấp sách, tài liệu của những tổ chức chính trị- xã hội trong nước.

Hoạt động đưa sách đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có tác dụng tích cực là cung cấp các thông tin về kinh tế, chính trị, văn hoá- xã hội, khoa học kỹ thuật.. đến cán bộ, đảng viên, người dân tại địa bàn cơ sở. Từng bước rút ngắn khoảng cách hưởng thụ thông tin của nhân dân giữa các vùng miền, góp phần giải quyết những khó khăn về thông tin và truyền thông ở cấp cơ sở, phục vụ tích cực cho công tác xây dựng nông thôn mới.

 Tuy nhiên qua thực tế cho thấy: Có nhiều dự án triển khai trên cùng một địa bàn (xã, phường, thị trấn) tạo sự phân tán, manh mún, không thống nhất trong việc quản lý và sử dụng các nguồn sách được trang bị tại cơ sở, vì mỗi nguồn sách lại do một đơn vị tiếp nhận, quản lý. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đưa các nguồn sách tập trung về một đầu mối tiếp nhận là Ban Văn hoá xã (trực thuộc UBND cấp xã, phường, thị trấn). Việc thống nhất một đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận sẽ tránh xảy ra hiện tượng phân tán, khó theo dõi quản lý nguồn sách đưa về địa phương.

Khi nguồn sách đưa về cơ sở có hai vấn đề quan trọng cần quan tâm là: Cơ sở vật chất (phòng đọc, tủ sách) và nguồn nhân lực (cán bộ theo dõi, quản lý). Do đó cần dành nguồn kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiêp vụ quản lý, khai thác sử dụng sách cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị để phát huy tác dụng phục vụ bạn đọc tại các địa bàn thuộc phạm vi triển khai thực hiện đề án.

Một trong những đề án trang bị sách nhiều nhất là “Đề án trang bị sách cơ sở xã, phường, thị trấn” do Ban Tuyên giáo Ttrung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện. Nhiệm vụ của Đề án là cung cấp cho các xã, phường, thị trấn những cuốn sách thiết yếu về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Trong hai năm 2009- 2010 triển khai thí điểm, đã có hơn 4.000 xã, phường, thị trấn của 16 tỉnh, thành phố được trang bị 45 đầu sách cho cán bộ cấp xã. Trên cơ sở thành công của giai đoạn thí điểm, Đề án đã được chính thức triển khai trên toàn quốc vào năm 2011. Đến năm 2012 đã có 4 triệu cuốn sách của gần 200 đầu sách được trang bị. Năm 2013 Đề án dự kiến trang bị khoảng 100 đầu sách cho các cơ sở xã, phường, thị trấn với số địa chỉ nhận sách tăng thêm khoảng 10-15% so với năm 2012.

Từ năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chủ trì thực hiện Dự án “Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”. Dự án này là một trong ba dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012- 2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 5/9/2012.

 Năm 2011, dự án này đã cung cấp 144 đầu sách với 538.900 bản in tới 1.895 điểm Bưu điện văn hoá xã, 233 đồn biên phòng thuộc 21 tỉnh. Năm 2012 đã cấp 112 đầu sách, 360.640 bản in tới 2.603 điểm Bưu điện văn hoá xã và 422 đồn biên phòng thuộc 48 tỉnh. Mỗi điểm nằm trong vùng dự án được nhận 01 bản in. Các loại sách chủ yếu có số trang dưới 120 trang, có nội dung cô đọng, dễ hiểu dễ nhớ phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của từng vùng, miền. Năm 2013, số lượng đầu sách và số điểm nhận sách dự kiến sẽ tăng lên trên 3.000 điểm.

Nhật Quang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây