Theo đó, việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã là một trong nhóm các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện Chương trình năm 2016 và giai đoạn 2016-2020.
Các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu
Về giao thông nông thôn: Tiếp tục phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn trục xã, liên xã, cơ bản hoàn thành hệ thống đường ngõ, xóm. Đến cuối năm 2016 có 22/80 xã (27,5%) đạt chuẩn, đến cuối năm 2020 có 56 xã (70%) đạt chuẩn.
Thủy lợi: Phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng hiện đại hóa, trong đó thực hiện việc nâng cấp, bổ sung kênh nội đồng, tưới tiêu đến 10 ha, đảm bảo hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi lên 80% vào năm 2020. đến cuối năm 2016 có 56 xã (65%) đạt chuẩn, đến năm 2020 có 62 xã (77%) đạt chuẩn, cơ bản cứng hóa kênh mương nội đồng theo quy hoạch.
Điện nông thôn: Đến cuối năm 2016 có 80 xã (100%) đạt chuẩn, đảm bảo đủ cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo hệ thống an toàn của ngành điện, hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện, đến năm 2020 tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 100%.
Trường học: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về giáo dục trên địa bàn xã. Đến cuối năm 2016 có 22 xã (27,5%) đạt chuẩn, đến năm 2020 có 60 xã (75%) đạt chuẩn.
Cơ sở vật chất văn hóa: Đầu tư xây dựng, nâng cấp về cơ sở vật chất, thiết chế hoạt động và cơ chế vận hành các trung tâm Văn hóa – Thể thao – Học tập cộng đồng, nhà văn hóa ấp đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của cộng đồng dân cư ở nông thôn. Đến cuối năm 2016 có 22 xã (27,5%) đạt chuẩn, đến năm 2020 có 60 xã (75%) đạt chuẩn. Phấn đấu đến năm 2020 có 90% trở lên số xã có trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng, 60% số ấp trở lên có nhà văn hóa.
Chợ nông thôn: Hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn. Đến cuối năm 2016, có 37 xã (46%) đạt chuẩn, đến năm 2020 có 55 xã (70%) đạt chuẩn.
Bưu điện: Đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin và thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ để phấn đấu 100% hộ gia đình sử dụng dịch vụ viễn thông. 100% các xã và trên 80% số ấp được kết nối và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính.
Nhà ở: Vận động nhân dân tích cực thực hiện phong trào chỉnh trang nhà cửa, vườn tược. Đến cuối năm 2016 có 52 xã (33%) đạt chuẩn, đến năm 2020 có 68 xã (85%) đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, công tác phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; công tác bảo vệ môi trường; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; giữ vững an ninh trật tự xã hội; nâng cao hiệu quả truyền thông và tăng cường đánh giá, giám sát thực hiện chương trình cũng thuộc các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong kế hoạch 2016 và giai đoạn 2016 - 2020.
Vấn đề cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện
Trong bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ năm 2016, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí ngân sách các cấp và nguồn vốn lòng ghép từ các chương trình, dự án khác hỗ trợ cho các xã khó khăn, xã biên giới và các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2016, hoàn chỉnh các công trình cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển sản xuất cho các xã đạt chuẩn năm 2014-2015.
Về nguồn vốn đầu tư phát triển: Ưu tiên thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, các công trình cơ sở vật chất văn hóa sẽ được xem xét đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã.
Về vốn sự nghiệp: Ưu tiên hỗ trợ cho công tác cắm mốc quy hoạch tại các xã, công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường nông thôn.
Theo dự kiến, tổng nguồn lực huy động cho kế hoạch 2016 là: 1.186 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 59 tỷ đồng; ngân sách các cấp là: 350 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác: 307 tỷ đồng, vốn tín dụng: 120 tỷ đồng; vốn huy động doanh nghiệp và các thành phần kinh tế: 50 tỷ đồng; huy động cộng đồng 300 tỷ đồng.
Cát Tường