Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp

Thứ năm - 05/01/2017 16:00 81 0
Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang vừa thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ký ban hành chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp.

hinh_4979.JPG

Lãnh đạo tỉnh thăm quan mô hình nông nghiệp Organic tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra một số nội dung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp như. Với quan điểm, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, có năng suất, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và xây dựng nông thôn mới; từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị sử dụng trên đơn vị diện tích đất, nâng cao đời sống dân cư nông thôn. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hiệu quả hoạt động, sự liên kết của các thành phần kinh tế. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị phù hợp với thị trường nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, gia tăng hiệu quả và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với quan điểm tăng trưởng xanh của cả nước và vùng Đông Nam bộ.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Quy hoạch một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao khoảng 15.000 ha đến năm 2020 và 30.000 ha đến năm 2030; rau, củ, quả chuyên canh khoảng 1.000 ha - 1.500 ha đến năm 2020 và 4.000 ha đến năm 2030. Từng bước phát triển nông nghiệp đô thị tại các huyện, trong đó tập trung phát triển các loại rau quả công nghệ cao, hoa, cây cảnh với diện tích 1.000 ha đến năm 2030. Tổ chức thực hiện mô hình thí điểm, sau đó nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với kết quả của mô hình thí điểm.

Xây dựng tối thiểu 03 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 800 ha đến năm 2020 và 1.800 ha đến năm 2030, gắn đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt, phát triển nông sản giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến.

Bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch trên diện tích đất trồng trọt đạt 100 triệu đồng/ha đến 2020 và 264 triệu đồng/ha đến năm 2030.

Phát triển chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp (đặc biệt đối với heo, gà) có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ chăn nuôi trang trại và gia trại đạt trên 70%  so với tổng đàn và đến năm 2030 đạt 80% so với tổng đàn.

Xây dựng chiến lược phát triển nông sản của tỉnh. Phấn đấu xây dựng Tây Ninh là chỉ dẫn địa lý cho nông sản sạch nhiệt đới cho thị trường trong nước và quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 40% sản lượng nông sản, thực phẩm (bao gồm rau quả, trái cây) được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic có thể truy xuất được nguồn gốc, đến năm 2030 tỷ lệ này là 60%, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030 xây dựng 2 - 3 thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đến năm 2030 tỷ lệ này là 50%.

Nhiệm vụ trọng tâm

Định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ) gắn với phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từng bước nhân ra diện rộng và hình thành nền nông nghiệp an toàn, bền vững, hướng đến chất lượng theo thị trường xuất khẩu.

Phát triển cây trồng, vật nuôi theo vùng thích nghi và bảo đảm môi trường, hình thành các mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất. Trong đó, lúa, rau quả tập trung các huyện phía Nam của tỉnh, chú trọng tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn, theo chuỗi giá trị; cây lâu năm, cây công nghiệp, chăn nuôi tập trung các huyện phía Bắc của tỉnh, tập trung phát triển vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh (chuối, xoài, bưởi, thơm…) hướng đến xuất khẩu hoặc làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu; các cây trồng truyền thống (mía, mì, lúa…) nâng cao giá trị gia tăng theo hướng đẩy mạnh thâm canh, cơ giới hoá đồng bộ, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, phát triển một phần theo hướng hữu cơ để gia tăng giá trị sản phẩm.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao; bảo đảm sản phẩm đạt an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn xuất khẩu.

Quy hoạch một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn sản xuất rau quả, cây ăn trái chất lượng cao, đồng thời gắn với xây dựng thực hiện chính sách phù hợp thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển tạo điều kiện dẫn dắt nông dân cùng phát triển.

Đối với chăn nuôi chuyển đổi phương thức theo hướng trang trại thay dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán kiểu truyền thống gắn với ứng dụng chuồng trại kín, trại lạnh trang thiết bị bán tự động, tự động, chăn nuôi công nghiệp, bảo đảm môi trường và gắn với các tiêu chuẩn thị trường yêu cầu; phát triển mạnh chăn nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh; tập trung chăn nuôi ở các huyện phía Bắc của tỉnh, đồng thời tổ chức lại hệ thống các cơ sở giết mổ và xây mới nhà máy chế biến, giết mổ hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ trong nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, về giống, tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác, nâng cao tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất, tưới tiết kiệm,…

Xây dựng và phát triển mở rộng bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm nông sản như mía, mì, cao su, thịt, thủy sản; thu hút phát triển chế biến rau quả thực phẩm, cây ăn trái để nâng cao giá trị sản phẩm hướng đến xuất khẩu.

Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm cho nông dân kể cả ở nước ngoài đối với mô hình mới, mô hình hiệu quả; cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách đầu tư, thông tin sản xuất, thị trường phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đến nông dân. Vận dụng đề xuất thực hiện các chính sách ưu tiên để thu hút mạnh nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tuyên truyền vận động, hướng dẫn hộ nông dân phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo mô hình mới, đặc biệt đối với ngành hàng sản xuất rau, quả đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ đáp ứng nhu cầu rau quả chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi để các hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng liên kết sản xuất kinh doanh gắn với chế biến và tiêu thụ.

Để thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra những giải pháp chủ yếu như quy hoạch và đầu tư; Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường thu hút và đào tạo tri thức phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Hoàn thiện và đổi mới các cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp; Tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp; Huy động tốt các nguồn vốn để tăng đầu tư cho phát triển sản xuất; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản gắn sản xuất với chế biến thị trường và tiêu thụ sản phẩm và tăng cường công tác tổ chức sản xuất.

Tố Tuấn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây