Tự tin – phẩm chất đạo đức cần thiết đối với phụ nữ

Thứ tư - 15/07/2015 12:00 89 0
“Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” là bốn phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Trong đó “Tự tin” là một trong bốn phẩm chất đạo đức truyền thống quan trọng. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phẩm chất đạo đức này được bổ sung những nội dung mới với những tiêu chí cụ thể, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay.

Tự tin là tin vào bản thân mình. Biểu hiện của người tự tin là biết tự đánh giá ưu, nhược điểm của bản thân; sẵn sàng nhận nhiệm vụ và nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết đoán; chủ động, bình tĩnh xử lý công việc trong mọi tình huống.

Phẩm chất tự tin còn được biểu hiện là khả năng tự lực, tự chủ; thận trọng, hợp tác, khiêm tốn, tạo cơ hội cho người khác thể hiện sự tự tin; thể hiện quan điểm, chính kiến; mạnh dạn trong giao tiếp. Tự tin giúp phụ nữ hiểu rõ bản thân mình, khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm, không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, thực hiện công tác ngày càng hiệu quả.

Ngày nay, phụ nữ tiếp tục được Nhà nước tạo nhiều điều kiện để phát triển toàn diện. Như các cơ quan, tổ chức liên quan tập trung triển khai thực hiện các chính sách về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ...Đồng thời, khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phụ nữ càng có nhiều cơ hội để thể hiện và đóng góp công sức vào xây dựng và phát triển đất nước nói chung và địa phương, đơn vị nói riêng. Chẳng hạn, tại Tây Ninh, giai đoạn 2011-2015, sự tham gia hoạt động chính trị các cấp của phụ nữ tỉnh ngày càng tăng.

Cụ thể: Số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy ngày càng tăng như cấp tỉnh là 9/68 đạt tỷ lệ 13,23%; cấp huyện là 87/527 đạt tỷ lệ 16,50%; cấp xã là 328/1.666 đạt tỷ lệ 19,68% (Đạt so với kế hoạch). Số lượng cán bộ nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 13/49, đạt tỷ lệ 26,53%; HĐND cấp huyện là 75/297 đạt tỷ lệ 25,25%. HĐND cấp xã là 641/2548, đạt tỷ lệ 25,15 %; Cán bộ nữ lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh như Giám đốc và tương đương là 4/46 đạt tỷ lệ 8,70%; Phó Giám đốc và tương đương là 25/119 đạt tỷ lệ 21 %, trưởng phòng cấp sở và tương đương là 55/221 đạt tỷ lệ 24,87% và phó trưởng phòng cấp sở là 90/286 đạt tỷ lệ 31,47%.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác cũng như giữ vững vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ Việt Nam hiện nay cần biết cân đối thời gian giữa việc gia đình và việc xã hội. Điều này biểu hiện sự cần cù, sáng tạo trong lao động, công tác; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Hơn nữa, biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, học tập, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Một nội dung quan trọng nữa là, chúng ta cũng cần phân biệt tự tin với tự kiêu và bảo thủ. Nếu tự tin quá, dẫn tới coi thường người khác thì sẽ thành người tự cao, tự đại; hoặc tự tin mà không có đủ trình độ, kiến thức để xác định việc cần làm thì dễ dẫn tới bảo thủ, do vậy, dễ có nguy cơ tụt hậu, bị thất bại.

Vì thế, người phụ nữ cần thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ, năng lực để phù hợp với yêu cầu mới của cơ quan, đơn vị. Chỉ có như vậy, người phụ nữ mới hội đủ các điều kiện để thể hiện khả năng, tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hoàng Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây