Ảnh minh họa
Ngày nay, điện thoại di động đã trở nên phổ biến, hầu như bất cứ ai cũng đều mang bên mình một chiếc điện thoại di động để tiện liên lạc khi cần thiết. Tuy nhiên, một số người thiếu tính cẩn trọng khi sử dụng điện thoại, họ sử dụng điện thoại ở mọi lúc, mọi nơi, thậm chí cả khi đang tham gia giao thông, vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nhắn tin là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường giao thông hàng ngày.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia. Đây được xem là một trong những hành vi đáng báo động về vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây mất trật tự an toàn giao thông nghiêm trọng. Việc tiếp nhận thông tin từ điện thoại sẽ khiến người tham gia giao thông mất tập trung khi lái xe, làm giảm khả năng quan sát và người tham gia giao thông không thể phản ứng kịp thời, an toàn khi gặp những tình huống bất ngờ xảy ra.
Bên cạnh đó, việc điều khiển phương tiện bằng một tay là vô cũng nguy hiểm, đặc biệt khi điều khiển xe gắn máy vì khi đó người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không thể giữ xe ở trạng thái cân bằng. Hơn nữa một tay cầm điện thoại sẽ khiến người điều khiển không thể sử dụng hệ thống phanh kết hợp ở xe tay ga, dễ giật mình trước những tình huống bất ngờ sẽ khiến họ sử dụng phanh trước mạnh, đột ngột và dẫn đến tai nạn là điều không thể tránh khỏi.
Sử dụng điện thoại (nghe, đọc, gửi tin nhắn) khi điều khiển phương tiện giao thông là vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nghe điện thoại vẫn diễn ra. Không những vậy, hành vi này còn rất nguy hiểm cho chính bản thân người điền khiển phương tiện khi tham gia giao thông và cho người khác.
Trong các thành phố lớn, mật độ xe cộ lưu thông nhiều, tình hình giao thông khá phức tạp, nhưng tình trạng người lái xe vừa điều khiển phương tiện vừa dùng điện thoại còn xảy ra phổ biến hơn. Đây không chỉ là hành vi thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông mà còn gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm cướp giật hoạt động và tiềm ẩn những nguy cơ gây ra tai nạn.
Để đảm bảo an toàn giao thông cho chính mình và cho những người cùng tham gia giao thông, chúng ta phải tuân thủ đúng quy định pháp luật khi tham gia giao thông và hãy luôn nói "không" với việc sử dụng điện thoại khi đang tham gia giao thông.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Điều 30, khoản 3, điểm c cũng đã quy định: Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Và theo điều 6, khoản 1, điểm h của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP thì sẽ phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện), các loại xe tương tự xe mô tô và xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động.
Cát Tường