Đầu năm 2009, UBND tỉnh đã giao Sở GT-VT nghiên cứu cắm biển báo cấm các loại ôtô tải kéo moóc và ôtô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc lưu thông trên một số tuyến đường nội thị. Tất nhiên, việc áp dụng biện pháp khá cứng rắn này nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông trên địa bàn nội thị - Thị xã; tránh ùn tắc vào các giờ cao điểm và bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị. UBND tỉnh cũng đồng ý phê duyệt chủ trương giao cho Sở GT-VT lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn các loại ôtô tải kéo moóc và ôtô tải kéo sơ mi rơ moóc chỉ được phép lưu thông trong Thị xã từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Hạn chế xe kéo rơ moóc lưu thông trong nội thị là cần thiết nhưng đã gây “tổn thất” không ít về kinh tế.
Sau một thời gian cắm biển, Sở GT-VT đã nhận được một số ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp vận tải về việc họ gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hoá phục vụ sản xuất, kinh doanh do “vướng” biển cấm. Qua khảo sát, Sở GT-VT nhận thấy một số ý kiến phản ánh của doanh nghiệp vận tải, nhà xe là có cơ sở nên đã đề nghị UBND tỉnh xem xét cho một số ôtô kéo moóc và ôtô tải kéo sơ mi rơ moóc lưu thông vào giờ cấm trong Thị xã đối với một số “trường hợp đặc biệt”.
Thực tế, việc hạn chế ôtô kéo rơ moóc và ôtô tải kéo sơ mi rơ moóc lưu thông vào giờ cấm đã gây không ít khó khăn cho việc vận tải hàng hoá, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ phát triển kinh tế. Theo doanh nghiệp vận tải Trần Quốc (Hoà Thành) cho biết, tính bình quân, mỗi ngày Tây Ninh có khoảng 200 lượt xe tải kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc đi theo trục Nam – Bắc và ngược lại. Tình trạng hạn chế lưu thông vào đường nội thị vào ban ngày, cấm lưu thông qua đường có cầu tải trọng thấp khiến xe tải phải đi vòng xa hàng chục cây số hoặc phải nằm chờ khoảng hơn 10 giờ mỗi ngày. Bình quân, mỗi xe như thế bị thiệt hại khoảng 1 triệu đồng/ngày do tăng chi phí nhiên liệu (đi vòng) hoặc do lãng phí thời gian, làm giảm hiệu quả lưu thông vận tải của phương tiện (phải nằm chờ đến 22 giờ mới được lưu thông). Như vậy, sự thiệt hại về kinh tế do phương tiện vận tải bị hạn chế mỗi năm là rất lớn. Đó là chưa kể tình trạng giao thông bị ách tắc, nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đã “chê” Tây Ninh, không vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, tình trạng này đã và đang được Tây Ninh nỗ lực tháo gỡ. Trong năm 2012, đã có một số cây cầu yếu, cầu có tải trọng thấp được nâng tải, gia cố hoặc xây mới. Trong đó, quan trọng nhất là cây cầu Gió (xã Bình Minh) cũng đã được nâng tải, các phương tiện có tải trọng nặng đã được phép lưu thông qua đây. Trước đây, các phương tiện có tải trọng trên 20 tấn đều không được qua cầu này để ra quốc lộ 22B mà phải đi vòng vào đường nội thị. Nhưng do bị hạn chế lưu thông vào ban ngày nên hầu hết các phương tiện vận tải nặng phải nằm chờ.
Đến nay, tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công các cây cầu có tải trọng yếu trên đường 782 – 784 cũng như thi công hoàn tất dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường này (giai đoạn 2). Ông Trịnh Văn Lo, Phó Giám đốc Sở GT-VT Tây Ninh cho biết, không lâu nữa, tình trạng “ách tắc” giao thông ở một số tuyến đường quan trọng trong tỉnh sẽ được tháo gỡ hoàn toàn.
Đây là tuyến giao thông huyết mạch nhưng nhiều năm nay bị “tắc” do vướng 3 cây cầu yếu, tải trọng thấp. Ông Lo cho biết, khoảng giữa năm 2013, khi các cây cầu trên đường 782 – 784 được thi công xong, Tây Ninh cơ bản “thông đường” cho ô tô kéo moóc và ô tô tải kéo sơ mi rơ moóc vận chuyển hàng hoá.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc