Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hiện bình đẳng giới, trong đó chú trọng đến việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; công tác tuyên truyền, giáo dục về cách ứng xử trong gia đình, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư một trong những nhân tố tích cực góp phần thực hiện có hiệu quả mô hình PCBLGĐ góp phần giảm tình trạng BLGĐ trên địa bàn dân cư, chất lượng gia đình văn hóa, ấp (khu phố) văn hóa ngày càng được nâng lên, trật tự an toàn xã hội được ổn định.
Công tác kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về công tác gia đình, PCBLGĐ được tiến hành hàng năm, tổ chức sơ kết đánh giá biểu dương khen thưởng kịp thời cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong các hoạt động về công tác gia đình, PCBLGĐ.
Các mô hình PCBLGĐ đã phát huy tác dụng thiết thực, giúp cho người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình; trong đó việc thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động của đường dây nóng được phổ biến rộng rãi để người dân biết và gọi báo tin hoặc nhờ can thiệp, hỗ trợ của chính quyền đối với hành vi BLGĐ một cách kịp thời, tránh được hậu quả nghiêm trọng. Ban chỉ đạo PCBLGĐ ở các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công cụ thể trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Trong đó, chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhóm PCBLGĐ, CLB Gia đình phát triển bền vững, hoạt động tư vấn, hòa giải cho đối tượng gây bạo lực, nạn nhân bị BLGĐ.
Hiện nay, Câu lạc bộ Xây dựng Gia đình phát triển bền vững (CLB) đã thành lập được 541 Câu lạc bộ, đây là nơi tập hợp các gia đình tham gia sinh hoạt để giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc góp phần ngăn ngừa bạo lực gia đình xảy ra trong mỗi gia đình. Hình thức sinh hoạt chủ yếu là lồng ghép với các ban, ngành để phối hợp triển khai.
Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập ở các ấp, khu phố do trưởng ấp hoặc công an viên làm nhóm trưởng, giữ vai trò quan trọng trong việc phát hiện, hòa giải, can thiệp kịp thời các vụ BLGĐ. Đến nay, đã thành lập được 506 nhóm, duy trì hoạt động và đem lại hiệu quả trong việc ngăn chặn kịp thời hành vi BLGĐ xảy ra trên địa bàn khu dân cư.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số địa phương chưa thường xuyên, nội dung hình thức chưa phong phú.
Nội dung sinh hoạt, tuyên truyền của các tổ, nhóm, CLB chưa thu hút nhiều đối tượng tham gia sinh hoạt, việc tuyên truyền nội dung về đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam chưa sâu, chưa chú trọng đến việc biểu dương, nhân rộng gương điển hình về gia đình văn hoá tiêu biểu; tài liệu tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu của các thành viên khi tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ.
Công tác thống kê số liệu về BLGĐ so với tình trạng thực tế ở địa phương còn lúng túng trong việc tổng hợp số liệu. Số vụ BLGĐ tổng hợp được chỉ mới là bề nổi của tình trạng BLGĐ hiện có, chủ yếu các vụ BLGĐ đã được chính quyền phát hiện và xử lý. Việc tổng hợp báo cáo số liệu chưa thực hiện qua nhiều kênh để đối chiếu so với số liệu của các ngành Tòa án, Công an, Y tế, Phụ nữ nắm bắt qua thực hiện công tác chuyên môn, mà hiện nay số liệu của các huyện, thành phố gửi về chỉ tổng hợp theo báo cáo từ đội ngũ Cộng tác viên gia đình dẫn đến độ tin cậy đối với số liệu chưa cao.
Trong công tác quản lý đội ngũ Cộng tác viên gia đình ở các ấp, khu phố hiện nay còn thể hiện chưa cụ thể, mặc dù đã có hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của CTV nhưng quan tâm đến việc triển khai sâu để các CTV nắm rõ và thực hiện; thiếu kiểm tra đánh giá thường xuyên, không tổ chức họp giao ban để năm bắt kịp thời các tồn tại trong quá trình thực hiện, qua đó đưa ra các giải pháp kịp thời.
Hoạt động của mô hình PCBLGĐ ở một số địa phương chưa đồng bộ, chưa xây dựng chương trình hoạt động, giải pháp để thực hiện hàng năm. Chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ, Nhóm PCBLGĐ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Tình trạng bạo lực gia đình hiện nay có giảm, nhưng ở từng địa phương, bạo lực gia đình vẫn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, mức độ tính chất của từng vụ, từng hành vi ngày càng phức tạp, đa dạng hơn; nạn nhân bạo lực không chỉ dừng lại ở phụ nữ mà nạn nhân của bạo lực có người già, trẻ em, thậm chí là nam giới. Qua hơn 5 năm (2010-2015), trên địa bàn tỉnh Tây Ninh xảy ra 1.465 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân BLGĐ: Phụ nữ: 1.249/1.465 trường hợp, chiếm tỷ lệ 85,25%; người già: 99/1.465 trường hợp, chiếm tỷ lệ 6,76%; trẻ em: 87/1.465 trường hợp chiếm, tỷ lệ 5,94%; nam giới: 30/1.465 trường hợp, chiếm tỷ lệ 2,05%.
Minh Đài