Tây Ninh tham gia ký kết về tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Thứ sáu - 26/08/2016 12:00 38 0
Chính phủ yêu cầu chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đối thoại công khai định kỳ, ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn…

Sáng 24.8, tại TP Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ ký kết về tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo 32 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Cà Mau. Đoàn Tây Ninh do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân dẫn đầu cùng lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân (thứ tư, hàng ngồi từ phải sang) cùng lãnh đạo các địa phương ký cam kết với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (ngay giữa, hàng ngồi) với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu.

Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đã đến lúc cụ thể hoá Nghị quyết bằng những hành động cụ thể, thiết thực; đổi mới và nâng cao mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp... bằng việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Các địa phương cần nghiêm túc quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu và thực hiện tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Lễ ký kết về tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp được tổ chức nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, với mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48- 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm; hằng năm có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo...

Để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, cần bảo đảm các nguyên tắc: Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật...

Đối với các địa phương, Chính phủ yêu cầu chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đối thoại công khai định kỳ, ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai có hiệu quả việc thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 23.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương; rà soát, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc: Khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung...

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây