Tuy nhiên, thực trạng phát triển nông nghiệp trong thời gian qua vẫn còn nhiều điều bất cập: tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, thiên về thâm dụng các nguồn tài nguyên hữu hạn; quy trình sản xuất nói chung còn lạc hậu, chưa ứng dụng đồng bộ và hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, chưa có thay đổi thực sự về phương thức sản xuất… nên giá trị và hiệu quả chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu của người dân và các ngành kinh tế khác trong tình hình mới.
Mặt khác, trong những năm gần đây, nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng thường bị các nguy cơ đe dọa như: dịch bệnh (cho cả cây trồng và vật nuôi); Các thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, trong đó đặc biệt là yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi người sản xuất phải sản xuất theo quy trình GAP (Viet GAP, Global GAP), ứng dụng công nghệ cao.
Từ nhận thức trên, tỉnh Tây Ninh đã tập trung triển khai thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng nông nghiệp nói riêng và toàn ngành nông nghiệp Tây Ninh nói chung. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện đồng bộ các nội dung, từ tái cơ cấu sử dụng các nguồn lực, tái cơ cấu công nghệ sản xuất, tái cơ cấu về hình thức tổ chức sản xuất và đặc biệt là tái cơ cấu về các chủ thể sản xuất kinh doanh nhằm gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Với các nội dung này, tỉnh cũng đã xác định cần có sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội vào quá trình tái cơ cấu ngành; nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.
Qua gần 03 năm (2013-2015), triển khai kế hoạch thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu đã đạt được một số kết quả. Đến năm 2015, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30% cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục được duy trì tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân 5,5%/năm giai đoạn 2011-2015, chất lượng sản xuất hàng hóa từng bước được nâng lên. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao; thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 29,7 triệu đồng/người năm 2014, tăng 21,7% so với năm 2012 (24,4 triệu đồng). Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải thiện nhanh.
Công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng, sản xuất gắn thị trường tiêu thụ được thực hiện ngày càng tốt hơn, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp từng bước được nâng cao. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng giảm dần cây lương thực, tăng nhóm cây rau, thực phẩm, cây công nghiệp hàng năm, cây ăn quả; chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp (tỷ trọng chiếm 12,3%). Phát triển thủy sản có những chuyển biến tích cực, nhiều nông dân đã chuyển đổi, đầu tư thâm canh nuôi trồng một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp tăng hiệu quả sản xuất. Hàng ngàn lượt hộ gia đình đã được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng,... đã giúp người dân giảm bớt khó khăn, nâng cao trình độ sản xuất, vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn tại địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế nông sản, tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 29,6 triệu đồng/người (năm 2014), tăng 5,2 triệu đồng/người so với năm 2012 (24,4 triệu đồng/người).
Công tác chỉ đạo sản xuất được triển khai thực hiện theo hướng chuyển đổi diện tích sản xuất các cây trồng kém hiệu quả (lúa, cao su,…) sang các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ ổn định (bắp, mì, rau, đậu các loại,…) mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân.
Định hình phát triển một số cây trồng chủ lực của tỉnh, sản xuất gắn thị trường tiêu thụ được thực hiện ngày càng tốt hơn, khả năng cạnh tranh từng bước được nâng cao.
Công tác ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chọn giống mới có năng suất, chất lượng cao được quan tâm. Một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một số chính sách hỗ trợ (mía trồng mới, lúa giống,…) đã được xây dựng, triển khai thực hiện. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản ổn định, an toàn dịch bệnh được đảm bảo. Thu hút đầu tư nông nghiệp được chú trọng, bước đầu thu hút vốn, công nghệ và tạo sản phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Các Quy hoạch, Đề án, Chương trình, Chính sách được tập trung xây dựng trình duyệt theo tiến độ đáp ứng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm cụ thể hóa các chủ trương chính sách hiện hành.
Công tác xây dựng kế hoạch, dự án khuyến nông được thực hiện tích cực, đúng chủ trương, chính sách khuyến nông của Trung ương và địa phương. Tổ chức thành công các cuộc Tọa đàm khuyến nông.
Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật và những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật được tập trung góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Kiểm tra chữ đường đã có tác động tích cực, chữ đường bình quân niên vụ 2015-2016 cao nhất so với các năm; người sản xuất mía có hiệu quả hơn, tăng niềm tin giữa nông dân với nhà máy.
Công tác thanh tra được thực hiện tập trung có trọng điểm, quyết liệt, tăng cường vào thời điểm hàng hóa, thực phẩm trong các dịp lễ tết và trong tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cuộc thanh tra có chất lượng hơn về số lượng cơ sở và kiểm tra chất lượng sản phẩm, số lượng, tần suất mẫu kiểm tra được tăng lên. Kiên quyết xử phạt đối với các cơ sở vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý của ngành. Phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm trong kinh doanh.
Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã được tập trung triển khai đồng bộ với các giải pháp, phù hợp với nguồn lực đầu tư, có trọng tâm, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Chương trình đã được người dân tích cực hưởng ứng, đạt nhiều kết quả cụ thể; cơ sở hạ tầng thủy lợi, nông thôn được quan tâm đầu tư; các đề án, dự án và các chính sách trên các lĩnh vực phát triển nông nghiệp được chú trọng xây dựng và triển khai phục vụ đề án Tái cơ cấu. Đầu tư công tiếp tục được tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, việc triển khai thi công dự án, công trình theo kế hoạch. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 16/80 xã (chiếm 20%) đạt chuẩn nông thôn mới và mục tiêu đề ra so với Quyết định 800/QĐ-TTg, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần IX, trong đó: 03/80 xã đạt 15 - 18 tiêu chí (chiếm 3,7%); 46/80 xã đạt 10 - 14 tiêu chí (chiếm 57,5%); 15/80 xã đạt 5 - 9 tiêu chí (chiếm 18,7%). Bình quân mỗi xã đạt 12 tiêu chí, tăng 6,1 tiêu chí so với cuối năm 2012.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn chưa đồng bộ, chậm và lúng túng. Kết quả đạt được nêu trên chỉ là bước đầu so với mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đề ra. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tuy được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được mở rộng, chưa toàn diện. Hiệu quả sản xuất một số cây trồng truyền thống thấp nhưng chưa có mô hình chuyển đổi ổn định hiệu quả cao; tái cơ cấu nông nghiệp triển khai còn nhiều khó khăn do đến nay các đề án chưa được phê duyệt, một số chính sách chưa được cụ thể hoá....
Nhằm phát huy những kết quả bước đầu về tái cơ cấu nông nghiệp, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, thời gian tới, tỉnh xác định tái cơ cấu phải theo lộ trình hội nhập và thời gian cụ thể. Trong đó, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, quán triệt chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp đến toàn thể các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa các quy hoạch và phù hợp với đề án Tái cơ cấu nông nghiệp; tăng cường quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch. Tập trung phát triển đối với từng lĩnh vực, sản phẩm cụ thể; ở mỗi ngành hàng sẽ quy định quy mô, không gian phát triển nhằm phát huy được lợi thế so sánh với từng sản phẩm trong vùng và liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp để thực hiện các dịch vụ trong sản xuất, kinh doanh; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào quá trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp… nhằm khai thác tổng hợp các nguồn lực, đa dạng hóa sản phẩm. Xác định KHCN là khâu then chốt để tạo đột phá tái cơ cấu, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, ứng dụng và tổ chức sản xuất ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng; ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh. Phát huy cao hơn vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để huy động tối đa nguồn lực trong xã hội trong XDNTM; chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từng xã gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã gắn với phát triển sản xuất,nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Phấn đấu đến năm 2020 có 40 xã (50%) đạt chuẩn nông thôn mới; hàng năm có ít nhất 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 15 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Minh Đài