Thực hiện cơ chế chính sách phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ

Thứ năm - 13/12/2018 10:00 47 0
Sau khi Luật Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN được ban hành đã góp phần tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho cá nhân hoạt động KH&CN phát huy tối đa năng lực và được hưởng lợi ích xứng đáng với kết quả hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có: 02 tổ chức KH&CN công lập (Trung tâm Thông tin Ứng dụng Tiến bộ KH&CN và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đều trực thuộc Sở KH&CN); 03 tổ chức KH&CN ngoài công lập; 01 doanh nghiệp KH&CN. Hoạt động chủ yếu của các đơn vị là thực hiện dịch vụ KH&CN, riêng Trung tâm Thông tin Ứng dụng Tiến bộ KH&CN thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN. Trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ KH&CN của tỉnh đã được tăng cường về số lượng và chất lượng, bước đầu đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho sự phát triển của tỉnh. Số lượng công chức, viên chức là nhân lực KH&CN ở các lĩnh vực được bổ sung, thay thế và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ kịp thời, cụ thể nhân lực tham gia công tác quản lý tại Sở KH&CN là 37/78 người (chiếm tỷ lệ 47,43% ), sự nghiệp (viên chức) là 24/78 người (chiếm tỷ lệ 30,77%). Trong đó, trình độ thạc sỹ là 10 người (chiếm 12,82% ); đại học là 46 người (chiếm 58,97%). Nhân lực KH&CN tại các tổ chức ngoài công lập là 44 người (trong đó trình độ tiến sĩ 03 người, thạc sĩ 08 người, đại học 33 người).

 Tây Ninh là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp, công tác đầu tư tiềm lực KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trong nông nghiệp cũng được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là trí thức trẻ với các chính sách thu hút nhân tài. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển cơ sở vật chất hỗ trợ nghiên cứu khoa học cho đội ngũ nghiên cứu KH&CN như: Dự án "Nâng cao năng lực cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014- 2015" (13,070 tỷ đồng); "Đầu tư trang thiết bị, kiểm định máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cho Trung tâm Thông tin, ứng dụng tiến bộ KH&CN Tây Ninh"(4,905 tỷ đồng); Dự án: Đầu tư trang trại thực nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Tây Ninh (28,856 tỷ) nhằm ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nuôi cấy mô, vi sinh, nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu, rau sạch,… theo định hướng của tỉnh về phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao;  Mặt khác, công tác đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN cho nông dân cũng được quan tâm triển khai thực hiện.

Về chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ ngành KH&CN, tỉnh đã ban hành Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND ngày 26/5/2015 của UBND tỉnh và Quyết định số 40/2017/QĐ-UBND ngày 30/11/2017 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chính sách đào tạo sau đại học và thu hút nhân tài ban hành kèm theo Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND tạo điều kiện cho công chức, viên chức đang công tác tại địa phương nâng cao trình độ chuyên môn, thu hút lực lượng lao động trình độ cao cống hiến tại địa phương, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá của tỉnh nhà. Kết quả thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ KH&CN: trong giai đoạn 2014-2018, tỉnh đã  đào tạo sau đại học 71 người, bồi dưỡng kỹ năng quản lý 58 người.

Tuy nhiên, với những kết quả đạt được, tỉnh vẫn chưa có những cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN như: Kết quả thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN; tạo điều kiện để cán bộ KH&CN được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động KH&CN theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; thực hiện chính sách thu hút, ưu đãi, trọng dụng đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là cán bộ KH&CN có trình độ chuyên môn cao…

Ngoài ra, tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn như: tiềm lực KH&CN (cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghiên cứu, môi trường làm việc…) chưa tương xứng; nguồn lực tài chính có hạn là rào cản đối với việc thu hút, phát triển nhân lực trình độ cao trong các tổ chức KH&CN tại địa phương; Phần lớn các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh do các nhà khoa học từ các Viện, Trường đề xuất và phối hợp thực hiện. Tỉnh chưa có chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao và các ngành nghề khác./.

 

                                                                                    Ngọc Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây