Công tác đánh giá tác động môi trường đã thực sự trở thành công cụ quản lý nhà nước về môi trường có hiệu quả, đóng góp đáng kể trong việc phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu các tác động xấu lên môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội. Công tác kiểm soát ô nhiễm tiếp tục được coi là hoạt động trọng tâm trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ môi trường tại 03 lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai đã được quan tâm triển khai có hiệu quả. Công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra đã được Bộ Tài nguyên và môi trường, các Bộ, ngành, địa phương triển khai một cách thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận cao trong xử lý các cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường, được dư luận và xã hội đồng tình, ủng hộ. Công tác truyền thông nhằm cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường trên các phương tiện truyền thông đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu. Hàng trăm chuyên mục, chuyên trang, chương trình của các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình với hàng nghìn bài, tin, ảnh được đăng tải mỗi tháng đã kịp thời phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại các địa phương hoặc biểu dương những điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường. Hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã góp phần tạo nên nguồn đầu tư đáng kể từ bên ngoài giúp tăng cường năng lực khoa học công nghệ cho ngành; tiếp thu kinh nghiệm của các nước, đưa ra các giải pháp kỹ thuật và công nghệ để xử lý ô nhiễm môi trường và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số quy định của Luật đa dạng sinh học đã bộc lộ sự bất cập, thiếu sự tương thích với một số đạo luật có liên quan như Luật thủy sản, Luật bảo vệ và phát triển rừng dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Hệ thống tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường tuy đã được phát triển về số lượng, song còn yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý. Đầu tư cho bảo vệ môi trường mặc dù bước đầu đã có chuyển biến tích cực song còn ở mức thấp; việc quản lý sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường còn chưa hiệu quả. Công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm đối với một số khu vực trọng điểm còn nhiều bất cập.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường trên quan điểm phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong 6 tháng cuối năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014; tổ chức tuyên truyền sâu rộng, phổ biến nội dung của Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành trong toàn hệ thống chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương; ban hành các văn bản hướng dẫn Luật; rà soát, chuyển đổi và xây dựng mới các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả. Tăng cường xã hội hoá mạnh mẽ các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường; đa dạng hóa nguồn đầu tư cũng như tăng tỷ lệ đầu tư cho môi trường từ nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn ODA thông qua việc hướng dẫn, triển khai có hiệu quả quy định về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;
Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện và triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái nặng; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường giai đoạn 2012-2015; Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và hoạt động sau thẩm định; thực hiện tốt công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm thông qua việc tổ chức xây dựng và hướng dẫn triển khai các văn bản về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đất, kiểm soát phát thải hóa chất nguy hại; hướng dẫn áp dụng và đánh giá hiệu quả của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường;
Thúc đẩy triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học và các văn bản quản lý về đa dạng sinh học đã được ban hành; đánh giá toàn diện việc tổ chức thực hiện Luật Đa dạng sinh học sau 5 năm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả để triển khai trong thực tế, đưa Luật đa dạng sinh học vào cuộc sống;
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo vệ môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình cộng đồng tự quản, mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến;
Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
MN