Thực hiện giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội

Thứ bảy - 20/05/2017 17:00 127 0
Chiều 19.5, Ban chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021 tổ chức họp cho ý kiến thông qua quy chế, kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo và các nhóm công tác về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, du lịch và nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang- Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Thực hiện giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo đã trình bày dự thảo quy chế, kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo và 4 nhóm công tác trong lĩnh vực phát triển du lịch, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021.

Các đại biểu đã có ý kiến đóng góp đối với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường Xuyên Á, đường tuần tra biên giới, đường Hồ Chí Minh và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông trong đô thị theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030; đề nghị quan tâm đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp xã hội hóa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương trong thời gian tới; các vấn đề phát triển du lịch cần mang tính đột phá, tạo thế mạnh cho các sản phẩm du lịch sạch, phát triển dịch vụ du lịch, nguồn lực để ngành du lịch Tây Ninh cất cánh trong thời gian không xa.

Về lĩnh vực nông nghiệp, các thành viên đề nghị cần chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các dịch vụ từ đầu vào tới đầu ra; tổ chức lại mô hình cánh đồng mẫu lớn, hình thành hạ tầng, đê bao nâng cao giá trị diện tích đất; phát triển mô hình chế biến, bảo quản, cơ giới hóa nông nghiệp; đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thương mại, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu theo sản phẩm nhằm năng cao chuỗi giá trị, hướng tới thị trường xuất khẩu…

Một số ý kiến đề xuất trong giai đoạn tới, tỉnh cần triển khai các đề án chiến lược về nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới các mô hình xuất khẩu.

Giai đoạn 2017-2021, tỉnh Tây Ninh phải có ít nhất 3 nhà máy sản xuất rau củ quả, 2 chợ đầu mối cung cấp sản phẩm tươi, 3 nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh, nhà máy chế biến dược liệu, hương liệu đồng thời tăng cường giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hình thành mô hình điểm, hợp tác xã kiểu mẫu cho bà con nông dân tiếp cận…

Thực hiện giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạn Văn Tân- Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị thành lập tổ thư ký Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế phối hợp 4 nhóm, bổ sung nhóm công tác cơ sở hạ tầng vào nhóm hạ tầng giao thông, gắn kết chặt chẽ các bộ, ngành trung ương để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc.

Về lĩnh vực xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, thành viên Ban chỉ đạo và các nhóm cần phát huy giá trị các trang trại trồng trọt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; xây dựng mô hình điểm để hộ nông dân có đất từ 0,5 ha trở lên có thể sống được và làm giàu trên đất của mình; xây dựng nhà máy chế biến sinh học theo công nghệ hiện đại để phát triển chuỗi giá trị tại Tây Ninh.

Về lĩnh vực du lịch, các nhóm cần làm tốt hơn để có đánh giá khác về du lịch; hình thành các hồ nhân tạo, phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh quyết liệt vấn đề đào tạo nguồn nhân lực địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc TP.HCM nối Mộc Bài và nối TP.Tây Ninh với huyện Gò Dầu (dự kiến hoàn thành trong năm 2019), tích cực thúc đẩy các cơ quan phối hợp các bộ, ngành trung ương bảo trì nhanh dự án quốc lộ 22, mở rộng đường tuần tra biên giới ra 7m so với tuyến đường hiện tại, đồng thời kết hợp giữa nông nghiệp với các tuyến giao thông nội đồng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang đề nghị các nhóm phát triển cần hoạt động đồng bộ và có sự kết nối qua lại; tranh thủ sự phối hợp với các bộ, ngành trung ương để hoàn thành các cơ chế nếu giải pháp thật sự mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, trong hoạt động của các nhóm hoàn toàn có thể xảy ra xung đột. Vì vậy cần phải tạo ra cơ chế giải quyết các xung đột này để thực hiện nhiệm vụ chung, hướng tới việc thực hiện thành công các giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây