Bến Đình, Long Thành Nam trên sông Vàm Cỏ.
Nghiêng về phía mặt trời
Một miền đất sáng ngời như bạc
Vàm Cỏ sông xanh, mây trắng núi Bà…
Tôi tự đặt mình vào tư thế một người đi tìm miền đất sống ở khoảng 300 năm trước. Để tưởng tượng ra một khung trời lạ lẫm khi dong thuyền ngược Vàm Cỏ Đông. Lúc ấy làm gì đã có những con đường Xuyên Á, hay quốc lộ 22 rầm rập người xe. Nên phía hữu ngạn sông mé Tây còn thưa thoáng. Ở nhiều đoạn trên sông Vàm Cỏ Đông có thể nhìn thấy núi Bà. Ví như ở giữa cầu mới Bến Đình vừa thông xe trong tháng 7 qua mà nhìn về hướng Bắc sẽ thấy núi Bà lừng lững xanh ngắt, với những bồng bềnh mây trắng. Vậy thì tiếp tục nhấn chèo tay, để con xuồng bươn tới, lướt về phía trước. Nhà văn Vân An đã có lần mô tả trong bài thơ “Ngược dòng sông Vịnh” rằng: “Nặng nhọc thuyền cày nước ngược/ Nghe như cánh mọc tâm hồn…”. Chính những đôi cánh mọc trong tâm hồn ấy đã đẩy con thuyền lầm lũi, kiên nhẫn tiếp tục đi tìm những vùng rừng xen trảng trống ven sông. Để hy vọng những mùa vàng.
Thật ra tôi cũng đã từng gặp một con thuyền như thế. Là nhờ vào một hiện vật duy nhất đã về được Bảo tàng. Chỉ tiếc do đã qua vài trăm năm nên đến lúc vớt lên thì gỗ ván thuyền đã mục. May mà tất cả những vật dụng trong thuyền vẫn còn hầu như nguyên vẹn. Rõ ràng là một gia tài của người đi tìm đất sống- một cái lu nhỏ bằng sành đựng nước, vài chiếc nồi, niêu, tô chén. Con dao, cái kiếm nếu có thì cũng đã rỉ rồi! Những tô chén sứ sành đã nhiều sứt mẻ. Thương nhất là mấy chiếc tô mà ngoài Bắc gọi là bát chiết yêu từng phổ biến hồi đầu thế kỷ XX trở về trước. Miệng to loe rộng nhìn rõ to và đẹp nhưng đến giữa thân trở xuống thắt nhỏ dần, nên chẳng đựng được bao nhiêu. Nghĩ mà thương cho một thời toàn dân khốn khó, dưới thời thực dân, phong kiến. Chứ ngày nay, cái ăn cái uống đã phủ phê, ai mà còn sản xuất kiểu bát chiết yêu ấy nữa!
Đã có thể khẳng định: từ năm 1815 trở về trước, Tây Ninh chưa có đường bộ. Phải đến năm Gia Long thứ 14, vua mới sai quan lính Gia Định sửa sang con đường mà triều đình Khmer dẫn ngựa voi sang triều cống, để trở thành đường “thiên lý phía Tây”. Đường này, nay là DT 782 và 784 từ Sài Gòn, xuyên qua các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Hoà Thành về tỉnh lỵ. Các cụ vẫn quen gọi đấy là con đường sứ. Còn việc đi lại trong tỉnh thì nơi nào trâu bò đi được là thành đường cho người đi. Vì thế cũng khẳng định được luôn là con đường đi mở đất lập làng chủ yếu vẫn là đường thuỷ. Men theo địa giới phía Đông thì có sông Sài Gòn để đi tới những Tà Dơ, Đồng Kèn hay Suối Bà Chiêm, Suối Dây... Còn đi giữa miền đất rừng Quang Hoá thì có sông Vàm Cỏ Đông “bát ngát chân trời miền hạ”.
Ngày 9.9.2016 là ngày kỷ niệm lớn “Tây Ninh 180 năm hình thành và phát triển”. Đấy là do người ta kể từ khi chính thức lập phủ Tây Ninh vào mùa thu, tháng bảy (âm lịch) năm Minh Mạng thứ 17 (1836, theo sách “Đại Nam thực lục”). Chứ thực ra, người Việt đã đến khai phá, làm ăn cày cấy trên miền Quang Phong, Quang Hoá này đã từ rất lâu rồi. Bởi đất này thuộc về phủ Gia Định từ năm 1698, do công của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Sách “Thực lục tiền biên” kể về Nguyễn Ánh viết nhiều về việc ngay từ khi mới cai trị đất Gia Định mà chưa lấy được ngôi vua thì ông đã biết tận dụng việc khai thác gỗ rừng Quang Hoá để làm những đội binh thuyền chống cự với nhà Tây Sơn. Đến năm 1779, ông cho thành lập ở miền đất Tây Ninh nay các đạo Quang Phong và Quang Hoá. Khi ấy đã có nhiều cư dân Việt tụ về đây sinh sống.
Lần tìm dấu vết của thế hệ đầu tiên thật khó! Tư liệu thành văn viết về những người có mặt sớm nhất, có lẽ chỉ có bản “Tiểu sử đức Quan Lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản” lập năm 1973 còn lưu giữ trong hòm sắc phong thần của đình Thái Vĩnh Đông. Mà bản này cũng đáng tin cậy vì nó được lập bởi nhóm Văn Đàn Quốc Biểu- toàn các cụ thuộc hàng văn nhân, trí thức, hiền tài của khu vực tỉnh lỵ Tây Ninh những năm 20 thế kỷ trước. Sau này tác giả Huỳnh Minh trong sách “Tây Ninh xưa” còn chép thêm một truyền tụng khác về Quan Lớn Trà Vong. Rằng ông là quan tri phủ và hai em được triều Nguyễn phái vào. Nhưng đến nay đã đủ cứ liệu chứng minh rằng chưa từng có những cái tên vang danh ấy trong sách sử.
Đành trở lại với bản tiểu sử do Quốc Biểu lập. Mà cái sự lập này cũng diễn ra trước đó, từ năm 1931 tại am ông Nhất Thiện trên núi Bà Đen. Theo đó Quan Lớn Trà Vong có tên Huỳnh Công Giản, sinh năm 1722 quê làng Nhật Tảo (nay thuộc tỉnh Long An). Ông là người văn võ song toàn, từng có đôi câu thơ nói lên cái chí của mình: Chí làm trai- sinh vi tướng- tử vi thần/ Cuộc đời thành bại là do trời. Năm 27 tuổi, ông cùng người em Huỳnh Công Nghệ lên Tây Ninh mở đất lập làng. Rồi sau khi đã có xóm thôn trù phú thì tổ chức dân binh bảo vệ cho dân yên ổn làm ăn, sinh sống… Trong một trận đánh mà thế giặc quá mạnh vào năm 1782, ông đã tự sát để không sa vào tay giặc, trước khi người em kéo quân về đánh tan giặc cướp.
27 tuổi! Nghĩa là năm 1749 đã có các thôn làng trên thềm sông Vàm Cỏ Đông. Những tên làng còn lại đến ngày nay liên quan đến sự tích này là các xã Trà Vong, Hảo Đước... Và không loại trừ cả miền đất nay là huyện Châu Thành và thành phố Tây Ninh cũng là thành quả của lưu dân thời mở đất có sự bảo vệ của hai ông. Vậy mới có thể lý giải được chuyện vì sao đình miếu thờ các ông phần nhiều nằm trên các xã, phường thuộc thành phố Tây Ninh. Ở đâu, nhân dân cũng tôn xưng ông là “Quan lớn đại thần” hoặc “Quan Lớn Trà Vong”.
Cũng vào thời anh em Huỳnh Công còn tại thế, sau khi lập được các làng, ấp trên vùng phía Bắc tỉnh Tây Ninh; chắc chắn dòng lưu dân đổ về đất Tây Ninh sinh sống ngày một đông hơn. Nhất là sau khi Nguyễn Ánh đã cho lập hai đạo Quang Phong, Quang Hoá (1779).
Theo Vương Công Đức trong “Trảng Bàng phương chí”, mục 8- Những cư dân Việt đầu tiên ở Trảng Bàng thì Dương Tấn Phong và nhóm lưu dân gốc Điện Bàn, Quảng Nam đã tới lập nghiệp ở Gia Bình từ khoảng năm 1700 đến 1758. Rồi trùm cả Quách Ngạn dẫn một số di dân từ hạ lưu sông Sài Gòn lên lập nghiệp ở Bùng Binh, Đôn Thuận. Từ đây, Đặng Văn Trước lại phát triển sang phía Tây, lập làng Gia Lộc năm 1818. Các cư dân miền Trung miền Bắc cũng theo cửa biển Soài Rạp vào sông Bến Lức lên định cư tại Tân Trụ, Đức Hoà, Bến Lức. Từ đó, họ lại theo sông Quang Hoá (Vàm Cỏ Đông) lên khai mở Phước Chỉ, Phước Lưu, Bình Thạnh. Người đi sau còn phải ngược sông xa hơn, đến Cẩm Giang, Long Thành rồi lên tận vùng Hoà Hiệp, Lò Gò- Xa Mát…
Năm 1824, triều đình cho xây thành Cẩm Giang làm đạo sở, đến năm 1836 đổi là huyện thành Quang Hoá. Lại kết hợp với chính sách di dân của triều đình nên các đồn điền và thôn làng mới tiếp tục được khai mở. Năm 1844, cụ Trần Văn Thiện cho đắp bờ đập ngăn nước, mở rộng ruộng vườn và xin lập thôn mới Long Thành (nay là 3 xã Long Thành). Tiếp theo quan Tuyên phủ sứ Cao Hữu Dực vâng lệnh triều đình quy dân lập thêm rất nhiều thôn mới ở Tây Ninh. Một dòng lưu dân khác nữa, xuất hiện sau khi có con đường sứ (1815) là các quan nhỏ và binh lính coi giữ các nhà trạm dọc đường. Họ đã tạo lập các thôn làng phía Bắc từ mạn Suối Ông Hùng lên tận thôn Phước Hội (Suối Đá) ngày nay…
Cùng với các tư liệu đã ghi vào sách sử, thì còn là câu chuyện ghi trong gia phả của biết bao nhiêu dòng họ. Như họ Trương, họ Võ ở các xã Thái Bình, Thanh Điền; họ Nguyễn, họ Trương ở Bưng Rò, Hoà Hội. Rồi hai ông họ Lê ở Gia Lộc và Lộc Ninh đều từng là bộ tướng nhà Tây Sơn lên “mai danh ẩn tích…”. Tôi còn nhớ rõ chuyện của cụ Nguyễn Hồng Phan (đã mất) một cựu cộng tác viên của báo Tây Ninh. Cụ cho xem cuốn gia phả họ Nguyễn ghi các cụ cố tên là Hồng và Lạc. Các cụ ra đi từ tận miền châu thổ sông Hồng và đều gia nhập vào đội quân của Trương Quyền đánh giặc. Thế hệ thứ hai là các bà Kim Chi, Ngọc Diệp được sách sử của Hội Phụ nữ Tây Ninh ghi chép như là những “Thanh niên xung phong” đầu tiên trên đất Tây Ninh. Họ đi tải gạo, muối cho nghĩa quân đánh Pháp và anh dũng hy sinh. Những dòng họ, hay cá nhân, có tên hay không còn tên tuổi suốt 300 năm qua…Tất cả đã tan hoà vào lòng đất Tây Ninh, làm nên một miền đất nghiêng về phía mặt trời rạng rỡ.
Theo Báo Tây Ninh Online