Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện nhiều phần việc được Chính phủ giao như: Ban hành kế hoạch triển khai Đề án 3 "Tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán" năm 2017; ban hành Công văn số 220/CPCTNXH-CS05 ngày 26/5/2017 về rà soát, đánh giá thực trạng dịch vụ, cơ sở vật chất hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại các tỉnh, thành phố; Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân; Xây dựng cơ chế chuyển tuyến nạn nhân và duy trì các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng; Phối hợp với Tổ chức JICA (Nhật Bản) xây dựng, triển khai dự án "Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người" giai đoạn 2017-2020 và thành lập 03 Trung tâm tại: Hà Nội, Đà Nẵng và An Giang. Từ 01/01/2017 đến 31/5/2017, Đường dây nóng phòng, chống mua bán người đã tiếp nhận 1.365 cuộc gọi, trong đó có 1.066 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng, chống mua bán người; 267 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách và các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân; 32 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Các địa phương tổ chức công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân; xây dựng, duy trì hoạt động của các trung tâm hỗ trợ, nhà tạm lánh, tạo các điều kiện cho nạn nhân sớm trở về địa phương, gia đình. Điển hình: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới tổ chức Hội thảo khởi động dự án chấm dứt bạo lực đối với trẻ em được thực hiện tại tỉnh Yên Bái và Điện Biên; tỉnh Nghệ An triển khai mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người"…
6 tháng đầu năm 2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.000 trường hợp (trong đó xác định 331 trường hợp là nạn nhân bị mua bán. Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài xác minh, tiếp nhận 39 trường hợp; Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an tiếp nhận 29 trường hợp; lực lượng Công an, Biên phòng các địa phương giải cứu, tiếp nhận 263 trường hợp. Đặc biệt có 03 nạn nhân là người Campuchia được tiếp nhận và trao trả cho Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam), 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu; trên 60% nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ, như: tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý; Ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân gần 21 tỷ cho vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, trong đó nhiều nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận nguồn vốn để học nghề, tạo việc làm, ổn định đời sống hòa nhập cộng đồng.
QD