Tiêu dùng bền vững: Hành động nhỏ, thay đổi lớn

Thứ năm - 11/06/2015 11:00 37 0
Tiêu dùng bền vững tạo cho người tiêu dùng cơ hội để tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của họ một cách hiệu quả và có hiệu suất, giảm thiểu hậu quả tiêu cực về môi trường, xã hội và kinh tế. Điều quan trọng chúng ta cần hiểu rằng “tiêu dùng bền vững" không phải là “tiêu dùng ít hơn”, mà là biết tiêu dùng hiệu quả hơn, tốt hơn và bớt sử dụng tài nguyên hơn.

taicheracthai.jpg

Tái chế, tái sử dụng các nguồn phế thải góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa)

Tiêu dùng bền vững gắn trực tiếp với rất nhiều ưu tiên phát triển khác, như giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường, tất cả đều nhằm vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiêu dùng là đặc điểm trung tâm của xã hội. Khi nền kinh tế được cải thiện, cá nhân cũng công ty và tổ chức cũng gia tăng việc tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của họ như lương thực, ăn mặc, giao thông, giáo dục, y tế và giải trí vui chơi. Tiêu dùng tăng còn góp phần làm tăng trưởng kinh tế, song, tiêu dùng cũng trực tiếp hoặc gián tiếp là nguồn gốc của hầu hết các vấn đề môi trường gây nên bởi hoạt động của con người cũng như tạo ra nhiều vấn đề cho xã hội và tài chính.

Tiêu dùng tăng đòi hỏi tăng sản xuất và thường dẫn đến việc sử dụng tài nguyên tăng lên, gây ô nhiễm môi trường và phát sinh chất thải. Thậm chí nếu có thể kiểm soát và tăng hiệu suất các quy trình sản xuất, thì những vấn đề trên cũng không thể giải quyết một cách hiệu quả, nếu không giải quyết vấn đề tiêu dùng liên tục tăng. Nhiều vấn đề điển hình về xã hội và tài chính khác cũng do việc tăng tiêu dùng gây ra. Những cá nhân có mức tiêu dùng cao thường gặp phải gánh nặng chi phí như mắc nợ, thời gian và sự căng thẳng làm việc để đảm bảo tiêu dùng, thời gian cần có để bảo quản, làm sạch, nâng cấp tài sản đó là cách tiêu dùng làm mất thời giai giành cho gia đình, bạn bè.

Vì vậy, tiêu dùng bển vững là chìa khóa cho phép xã hội và cá nhân phát triển mà không nhất thiết phải hy sinh.Hiện nay, nhiều quốc gia thực hiện các chính sách giảm bớt ảnh hưởng của các hoạt động tiêu dùng đối với môi trường. Chẳng hạn bảo tồn năng lượng hoặc tái chế rác thải. Một số khác mở ra cho người tiêu dùng trên thị trường bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn để tăng cường sự có mặt các mặt hàng thân thiện với môi trường, hoặc dùng thuế, phí, để tăng giá tương đối của các sản phẩm có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Một số chính sách đó đã đem lại những thay đổi tích cực về hành vi, song nói chung, kết quả còn khá khiêm tốn.

Vì vậy, thúc đẩy tiêu dùng bền vững nhiều hơn đòi hỏi việc áp dụng nhiều phương pháp, chẳng hạn như phòng ngừa, giảm thiểu chất thải; tái chế...

Phòng ngừa chất thải là tránh hoặc giảm sản sinh chất thải ngay từ đầu, bằng phương pháp sản xuất cải tiến và thiết kế sản phẩm. Ngăn ngừa chất thải cần ngăn chất thải sản sinh ra từ lúc bắt đầu sản xuất. Có thể thực hiện điều đó trong giai đoạn sản xuất cũng như trong giai đoạn sử dụng sản phẩm.

Giảm thiểu chất thải gồm những hoạt động nhằm giảm lượng rác thải phải chôn lấp hoặc giải quyết cách khác. Có khi bằng cách chuyển đổi chất thải thành nguồn hữu ích. Trong việc giảm thiểu chất thải gồm, các kỹ thuật sản xuất được cải tiến, thay đổi nguyên liệu, cải tiến công thức sản xuất sản phẩm và giảm thiểu bao bì đóng gói hoặc dùng vật liệu đóng gói tái chế được. Việc phòng ngừa chất thải có thể là một phương pháp mạnh mẽ để bảo đảm tiêu dùng bền vững. Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia đã xác định rằng yêu cầu quan trọng là cần có sự lồng ghép lẫn nhau giữa các hệ thống quản lý chất thải và các chiến lược tiêu dùng. Bên cạnh đó, giảm thiểu chất thải liên quan đến một loạt hoạt động kỹ thuật nhằm quản lý sao cho lượng chất thải còn lại cần xử lý ở mức tối thiểu. Giảm thiểu gồm: giảm, sửa chữa, thu hồi, tái chế, ủ phân, thiêu đốt (với các kỹ thuật sạch và có thu hồi năng lượng) và chôn lấp.

Để thực hiện các chiến lược phòng ngừa và giảm thiểu chất thải, Nhà nước, các nhà sản xuất và những người tiêu dùng phải hợp tác với nhau. Nhà nước có thể phát triển khung chính sách và pháp luật đưa ra những khuyến khích với nhà sản xuất để giảm sản sinh ra chất thải ngay từ đâu. Ví dụ, việc thay đổi quy chế bao bì và thực hiện đánh thuế sinh thái vào bao bì và/hoặc các sản phẩm dùng một lần có thể khuyến khích nhà sản xuất giảm lượng bao bì, hoặc sử dụng lại hay tái chế lại bao bì cũ. Ngoài ra, Nhà nước có thể can thiệp bằng cách cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm ít bao bì hơn và sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.

Giảm thiểu chất thải có thể đem lại những lợi ích hữu hình về xã hội, môi trường và kinh tế. Ví dụ, giảm thiểu chất thải có thể tiết kiệm kinh tế nhờ giảm tiêu dùng sản phẩm có chu trình sống ngắn hơn (ví dụ sản phẩm dùng một lần) và thích dùng sản phẩm có chu trình sống dài hơn (pin nạp lại được, bóng đèn hiệu suất phát sáng cao); Chi phí xử lý thấp hơn (nếu người tiêu dùng chịu chi cho cơ sở thu gom rác và tái chế các thành phần thu gom chính thức cũng như không chính thức); Giải quyết cơ hội việc làm và kinh tế trong thu gom rác, tái chế chính thức và không chính thức; Sản phẩm có chu trình sống dài hơn sẽ có hiệu ứng tích cực về lâu dài như giảm gánh nặng cho cơ sở hạ tầng tiêu huỷ bằng cách không phải tiêu huỷ và thay thiết bị/sản phẩm; Ngăn ngừa chất thải từ đầu và quản lý chất thải làm giảm ô nhiễm môi trường (không khí, đất đai, nguồn nước) và tăng chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Nhà nước cần sử dụng nguồn lực của mình để khuyến khích việc phòng ngừa và giảm thiểu chất thải và tạo điều kiện cho việc tiêu dùng thông minh của người tiêu dùng bằng cách cung cấp sản phẩm " Xanh" và cơ sở hạ tầng phù hợp, cơ sở hạ tầng này giúp người tiêu dùng có hành vi tiêu dùng bền vững (ví dụ cung cấp thùng rác riêng cho loại rác tái chế, công nghệ sạch hơn để quản lý chất thải và cơ sở tái chế). Nghiên cứu vấn đề này thường phải thay đổi cách thực hành hiện nay hoặc đưa ra những cách thức mua sắm mới cho người tiêu dùng. Ví dụ, khuyến khích sửa chữa sản phẩm hỏng hơn là thay thế chúng, sử dụng lại sản phẩm, vật tư (ví dụ thay quần áo) tránh những sản phẩm dùng một lần như lưỡi dao cạo, đũa ăn... Ngoài ra, căn cứ giá cả hiện hành và cạnh tranh, người tiêu dùng có thể thay thế sản phẩm, dùng những sản phẩm sử dụng ít tài nguyên hơn (ví dụ bóng đèn tiết kiệm năng lượng hoặc sản sinh ra ít chất thải).

Tái chế là một loạt các hoạt động nhằm thu hồi, phân loại, xử lý và chuyển hoá các vật liệu phế thải thành nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm mới. Các hệ thống tái chế hướng tới người tiêi dùng giúp cho bản thân người tiêu dùnc biết phân loại chất thải, dễ dàng tiếp cận các phương tiện thu hồi. Cơ sở tái chế có thể thay đổi độ phức tạp, tuỳ theo nguồn lực và cơ sở hạ tầng hiện hữu. Người tiêu dùng thường có vai trò quan trọng trong các hệ thống tái chế với tư cách là người thực tế gửi trả vật tư lại để tái chế sau khi sử dụng.

Có thể nói rằng, mục đích cuối cùng của tiêu dùng bển vững là nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của cả người tiêu dùng thế hệ hiện nay và các thê hệ mai sau, đồng thời giảm thiểu tác động tới môi trường. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta hãy xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh. Phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Áp dụng những chính sách điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây