Toạ đàm về tuyên truyền phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam- Campuchia

Thứ năm - 27/11/2014 00:00 121 0
Hôm 26.11, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, tiến sĩ Bùi Thế Đức – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi toạ đàm về công tác tuyên truyền triển khai phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam- Campuchia năm 2014.

 

Thiếu tướng Võ Văn Lẹ - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng phát biểu tại buổi toạ đàm.

Tham dự buổi toạ đàm có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo Bộ ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng các tỉnh có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia, trong đó có tỉnh Tây Ninh.

Việt Nam – Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.137km. Từ năm 2006 đến nay, công tác phân giới, cắm mốc đã xác định được 253/314 vị trí - đạt 80,57%, tương ứng với 305/371 mốc; xây dựng được 292/305 mốc; phân giới được 880,459/1.137km, đạt 77,43%.

Hiện còn 61 vị trí/66 mốc hai bên chưa xác định trên thực địa, trong đó có 18/19 vị trí mốc đã chuyển vẽ và 43/47 vị trí mốc thuộc 7 khu vực tồn đọng chưa chuyển vẽ trên bản đồ; khoảng 300km đường biên giới chưa phân giới (trong đó có khoảng 50km đường biên giới theo sông, suối).

Thời gian qua, Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa hai Đảng và hai Nhà nước trên các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền nhỏ lẻ, cá biệt đến từng hộ gia đình. Phối hợp với bạn tổ chức sinh hoạt đối thoại với người dân, nắm bắt dư luận của quần chúng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, chia rẽ của các tổ chức, đảng phái phản động.

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã tuyên truyền tập trung trên 460 buổi cho trên 20.000 lượt người nghe, tuyên truyền nhỏ lẻ được gần 7.000 lượt người nghe, qua các cụm loa được trên 1.000 giờ, tuyên truyền qua chuyên mục "Vì chủ quyền an ninh biên giới-biển đảo" trên sóng phát thanh, truyền hình các địa phương.

Ở khu vực cửa khẩu, các đường giao thông qua lại, các trung tâm chợ biên giới, các đơn vị đã kết hợp tuyên truyền miệng thông qua công tác kiểm tra kiểm soát hành chính, thông qua báo ảnh Việt Nam để tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Một số đơn vị làm tốt công tác này là Bộ đội Biên phòng các tỉnh Kon Tum, Bình Phước, Tây Ninh, An Giang và Long An.

Các đại biểu tham dự toạ đàm cũng đã nêu những thuận lợi và khó khăn trong công tác phân giới, cắm mốc. Các đại biểu cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có sự thống nhất, hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai chính sách đối ngoại với Campuchia nói chung và quan hệ về biên giới với Campuchia nói riêng.

Cần đẩy mạnh các chương trình kinh tế- xã hội ở các xã biên giới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân sau khi phân giới, cắm mốc nhằm giúp họ yên tâm phấn khởi, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biên giới.

BĐBP Tây Ninh tuần tra, bảo vệ cột mốc chủ quyền quốc gia.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân về các chủ trương, chính sách thực hiện tại khu vực biên giới, động viên đồng bào các dân tộc chủ động, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; tập trung tuyên truyền có hiệu quả quá trình phân giới cắm mốc của hai nước Việt Nam – Campuchia.

Tại Tây Ninh, luỹ kế đến nay, đã xác định được 97 vị trí mốc/ 109 cột mốc, xây dựng hoàn chỉnh 97 cột mốc, cắm được 640 cọc dấu phụ (tăng 46 cọc so với năm 2013); phân giới được 168,77/240km đường biên giới (tăng 22,77km so với năm 2013).

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây