Can thiệp của ngành y tế trong mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng

Thứ tư - 26/11/2014 00:00 116 0
Trước đây, nghiện ma tuý chủ yếu được nhìn nhận dưới góc độ đạo đức, người nghiện ma tuý được xem là những đối tượng tệ nạn xã hội, bị tha hoá về đạo đức dẫn tới có những hành vi lệch chuẩn. Vì vậy, việc điều trị thiên về các biện pháp hành chính, giáo dục đạo đức và theo một mô hình đơn giản là nghiện dẫn đến điều trị nghiện và kết quả hướng tới là hết nghiện.

 

 

Theo mô hình này, người nghiện được đưa đi cai nghiện trong các cơ sở cai nghiện tập trung, được sống trong một môi trường không có ma tuý, được cung cấp các dịch vụ cai nghiện (bao gồm cả các dịch vụ về y tế, tâm lý, dạy nghề...) và sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện trở thành người hết nghiện. Tuy nhiên, trên thực tế, mô hình này không mang lại hiệu quả cao vì người nghiện ma tuý lệ thuộc vào chất gây nghiện không chỉ về mặt sinh lý, thể chất mà còn là sự lệ thuộc về mặt tâm lý. Sự lệ thuộc về thể chất có thể được điều trị tức thời bằng thuốc, bằng các liệu pháp dược trị, nhưng sự lệ thuộc về tâm lý phải được điều trị lâu dài bằng các liệu pháp tâm lý phù hợp và với sự nỗ lực rất lớn của người nghiện.

Để tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp và đa dạng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các ngành, địa phương và gia đình trong công tác cai nghiện ma túy, mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được xem là mô hình rất ưu việt và có tính nhân văn sâu sắc. Theo nhận định, mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng giảm thiểu được sự kỳ thị đối với người nghiện so với mô hình cai nghiện tập trung bắt buộc, vì không tách rời người nghiện ra khỏi cộng đồng. Người nghiện được hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa tái nghiện, có cơ hội thực hành trong thực tế, trải nghiệm qua các va vấp, được các tư vấn viên hỗ trợ để rút ra bài học và hoàn thiện các kỹ năng dự phòng tái nghiện. Tất cả những điều này chỉ có thể đạt được trong môi trường thực tế tại cộng đồng. Chính vì vậy, việc cai nghiện tại cộng đồng và chăm sóc sau điều trị tại cộng đồng có tầm quan trọng rất lớn. Qua chuyến thăm và học hỏi mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng của 02 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, cùng sự hỗ trợ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Sở Y tế đã tổ chức lớp tập huấn cho 55 cán bộ y tế thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Trạm Y tế huyện Tân Biên, Hoà Thành, Châu Thành, Thành phố, Trung tâm 05-06 của Sở LĐTB và XH nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành cho y, bác sĩ về chẩn đoán và điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng và gia đình, chuẩn bị cho công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục tập huấn chẩn đoán và điều trị nghiện ma túy cho huyện và xã còn lại trên địa bàn tỉnh, báo cáo nhu cầu đào tạo cán bộ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện….

Mặc dù, mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng có thể trở thành hình thức cai nghiện chủ yếu, song bên cạnh nó cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải giải quyết, cả về cơ chế chính sách và triển khai thực hiện. Khó khăn trước hết, nếu trưng dụng các trạm y tế xã để tổ chức cai nghiện thì không khả thi và ảnh hưởng đến khám chữa bệnh cho nhân dân và khó ngăn chặn thẩm lậu ma túy vào nơi cai nghiện trong quá trình điều trị, vì Khu vực để tổ chức điều trị cắt cơn phải bảo đảm cách ly với môi trường bên ngoài để tránh thẩm lậu ma túy. Trong khi đó, các trạm y tế xã, phường tổ chức cai nghiện, cắt cơn lại chưa đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất theo quy định về dụng cụ sinh hoạt cho người nghiện, như: giường, chiếu, ga, gối, chăn, màn; tủ thuốc, dụng cụ cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế…

Khó khăn thứ hai là việc chẩn đoán người nghiện ma túy theo Quyết định số 5075/QĐ-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế còn gặp khó khăn đối với tuyến xã/phường/thị trấn do chưa có đủ điều kiện để làm thêm xét nghiệm nước tiểu bằng phương pháp sắc ký lỏng, hoặc sắc ký khí, hoặc sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) hoặc nghiệm pháp Naloxone (Nghiệm pháp Naloxon chỉ thực hiện tuyến huyện). Mặt khác, theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy là bác sĩ, y sĩ thuộc trạm Y tế cấp xã, bệnh xá Quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên, phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Cuối cùng là công tác quản lý sau cai, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai, đây là vấn đề quan trọng cần được quan tâm để công tác cai nghiện ma túy đạt hiệu quả trọn vẹn. Một chương trình cai nghiện dù có tốt tới đâu, cho dù là điều trị nội trú hay ngoại trú, tại các cơ sở cai nghiện tập trung hay tại cộng đồng,  mà sau thời gian cai nghiện không có các chương trình chăm sóc sau điều trị, hỗ trợ người sau cai nghiện liên tục trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng thì các kết quả đạt được trong chương trình điều trị rất khó có thể duy trì, chương trình không bền vững và không có hiệu quả.

Vì vậy, công tác điều trị cai nghiện tại gia đình và cộng đồng trước hết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch liên ngành để triển khai công tác tư vấn dự phòng và điều trị nghiện, lồng ghép, phối hợp hiệu quả giữa các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề tạo điều kiện cho người nghiện sau cai được vay vốn, học nghề và có việc làm ổn định. Tăng cường hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các cơ sở điều trị nghiện, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn hướng dẫn cụ thể cho cán bộ y tế. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, đội công tác xã hội tình nguyện, các tổ chức tôn giáo, câu lạc bộ, nhóm giáo dục đồng đẳng, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các cá nhân tham gia hỗ trợ, đầu tư, thành lập các cơ sở tư vấn dự phòng và điều trị nghiện, các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, đồng thời khuyến khích, giúp đỡ người sử dụng ma túy tham gia vào chương trình điều trị nghiện…

Hồng Thắm

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây