Bảo vệ quyền của trẻ em, hạn chế tình trạng mua bán người

Thứ ba - 25/11/2014 00:00 34 0
Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, một bộ phận nhân dân mải lo kiếm sống làm giàu đã sao nhãng việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, làm tổn hại đến quyền, lợi ích và sự phát triển bình thường về thể chất, trí tuệ, tinh thần của nhiều trẻ em. Một bộ phận nhân dân chạy theo lối sống thực dụng đã lợi dụng trẻ em để trục lợi, xô đẩy trẻ em rơi vào tệ nạn xã hội, ép buộc trẻ em làm những việc trái pháp luật, đưa trẻ em vào những đường dây mua bán người bất hợp pháp.

 

 

Nhằm bảo vệ trẻ em, tại Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, quy định 10 nhóm hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh. Đây là 10 nhóm hành vi vi phạm quyền trẻ em đặc thù đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngoài 10 nhóm hành vi được quy định, các hành vi vi phạm khác làm tổn hại đến quyền và lợi ích của trẻ em đã được quy định và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bỏ rơi trẻ em: Khoản 1 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định "Nghiêm cấm các hành vi cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ". Theo quy định, hành vi bỏ rơi trẻ em cần được quy định chi tiết và người giám hộ được xác định rõ, làm cơ sở cho việc thực hiện trên thực tế.

Các hành vi liên quan đến trẻ em lang thang: Khoản 2 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định “Nghiêm cấm các hành vi dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi”

Các hành vi liên quan đến ma túy, đánh bạc, chất kích thích: Khoản 3 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định "Nghiêm cấm các hành vi dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; lôi kéo trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ”.

Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, việc quy định cấm bán cho trẻ em rượu, bia, thuốc lá có thể chưa được thông suốt trong nhận thức của một bộ phận nhân dân vì nhiều lý do khác nhau. Song, trẻ em còn ngây thơ, trong trắng và với nguyên tắc dành lợi ích tốt nhất cho trẻ em thì quy định cấm bán cho trẻ em rượu, bia, thuốc lá là cần thiết. Để quy định này đi vào cuộc sống, đòi hỏi cha mẹ, người lớn và xã hội phải thay đổi nhận thức, chấp nhận và thực hiện các hành vi theo quy định của pháp luật.

Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em: Khoản 4 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định "Nghiêm cấm các hành vi dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em”.

Xâm hại tình dục trẻ em là hành vi có chủ ý để làm hài lòng, thỏa mãn nhu cầu tình dục của một người đối với trẻ em. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội. Hành vi xâm hại tình dục trẻ em bao gồm các hành vi phạm tội (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em) và các hành vi khiêu dâm, quấy rối tình dục trẻ em. Nhiều quốc gia trên thế giới quy định nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình dục trẻ em (cho trẻ em tiếp xúc với ấn phẩm có nội dung khiêu dâm, sử dụng trẻ em trong ấn phẩm khiêu dâm, có lời nói hoặc hành động kích động tình dục trẻ em).

Các hành vi liên quan đến văn hóa phẩm, đồ chơi của trẻ em: Khoản 5 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định “Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em”.

Các hành vi xâm phạm thân thể, nhân phẩm trẻ em: Khoản 3 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định "Nghiêm cấm các hành vi hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua, bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác”.

Các hành vi lạm dụng lao động trẻ em: Khoản 7 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định "Nghiêm cấm các hành vi lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động”.

Lạm dụng lao động trẻ em là việc sử dụng trẻ tham gia vào họat động kinh tế, làm ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, sự phát triển của trẻ em, bắt trẻ em làm việc quá sớm, quá thời gian làm ảnh hưởng đến việc phát triển về thể lực, trí lực và nhân cách của trẻ em, thậm chí là bắt trẻ em phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại, những công việc trái với quy định của pháp luật, không trả công hoặc trả công tương xứng với lao động bỏ ra của trẻ em. Lạm dụng lao động trẻ em cũng có thể xảy ra ngay tại gia đình.

Các hành vi cản trở việc học tập của trẻ em: Khoản 8 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định "Nghiêm cấm các hành vi cản trở việc học tập của trẻ em”.

Các hành vi đối với trẻ em vi phạm pháp luật: Khoản 9 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định "Nghiêm cấm các hành vi áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật”.

Các hành vi bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ em: Khoản 10 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định "Nghiêm cấm các hành vi đặt cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hoá chất độc hại, chất dễ gây cháy nổ gần cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em”./.

 

                                                                                                                                       HXL

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây