Trên cơ sở nghiên cứu những đặc điểm chung nhất về phương thức, thủ đoạn phạm tội và điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến việc thực hiện các hành vi phạm tội của phụ nữ đối với các vụ án về ma túy, phụ nữ được “liệt kê” vào nhóm tội phạm với vai trò là người tổ chức, điều hành hoặc là đồng phạm trong các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia. Mặc dù, số các đối tượng thuộc nhóm này không nhiều, họ là những người đã trực tiếp tổ chức, điều hành các các đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy lớn, xuyên quốc gia như: Nguyễn Thị Thơm, Nguyễn Thị Dung (tức Hương “xăm”), Hoàng Thị Hương, Nguyễn Thị Bích Ngọc,… Những đối tượng phụ nữ mặc dù không trực tiếp thực hiện các hành vi mua bán, vận chuyển chất ma túy, nhưng với vỏ bọc bên ngoài kín đáo, thường núp bóng dưới danh nghĩa những người buôn chuyến, nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm… họ lại là người giữ vai trò quan trọng trong các đường dây tội phạm về ma túy. Trước khi phạm tội, họ đã từng có quá trình làm việc, buôn bán hoặc quan hệ với người nước ngoài ở khu vực biên giới, sau đó bị các đối tượng này thuyết phục, khống chế hoặc tự bản thân nhận thấy việc buôn bán ma túy có khả năng mang lại lợi nhuận lớn, từ đó, đã tổ chức thành các đường dây buôn bán ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia. Số khác, mặc dù không giữ vai trò tổ chức, điều hành, nhưng các đối tượng là phụ nữ lại tham gia trực tiếp vào các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy cho các đường dây, tổ chức mua bán ma túy. Trước khi bước vào con đường phạm tội, bản thân họ chỉ là những người lao động hoặc buôn bán bình thường, nhưng do có người thân đang tham gia vào các đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy lớn và đã bị các đối tượng này lôi kéo, rủ rê tham gia thực hiện các hoạt động phạm tội về ma túy; số lượng ma túy được mua bán, vận chuyển mỗi lần thường rất lớn; nguồn ma túy chủ yếu được các đối tượng khai thác từ nước ngoài hoặc mua thu gom ở trong nước, sau đó vận chuyển bằng đường bộ sang nước thứ ba qua đường mòn, đường tiểu ngạch.
Nhóm thứ hai là nhóm các phụ nữ phạm tội với vai trò là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội có liên quan đến đối tượng người nước ngoài. Trước tình hình hoạt động của các tổ chức tội phạm nước ngoài đang có chiều hướng gia tăng, đồng thời xác định các đối tượng này thường nhập cảnh trái phép vào các nước trong khu vực để tổ chức, điều hành các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy sang các nước và khu vực khác. Trong đó, thủ đoạn phổ biến nhất của bọn chúng là tiếp cận, làm quen, thậm chí có những trường hợp còn kết hôn hoặc chung sống với những phụ nữ tại các nước này như vợ chồng, chúng tổ chức lợi dụng hoặc giao nhiệm vụ, thuê, lừa những phụ nữ này đi du lịch, thăm thân ở nước ngoài để vận chuyển trái phép chất ma túy cho chúng từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài. Bọn chúng sử dụng các tuyến đường hàng không, đường biển và cả tuyến đường bộ, trong đó, số đối tượng bị bắt giữ trên tuyến đường hàng không trong và ngoài khu vực chiếm tỷ lệ cao nhất. Tại Việt Nam, chủ yếu là sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Ngoài các đối tượng là phụ nữ người Việt Nam, còn có phụ nữ từ các nước Thái Lan, Philippine, Indonesia, Trung Quốc… và Việt Kiều từ Australia. Những phụ nữ thuộc nhóm này có thành phần rất đa dạng nhưng lại có cùng một trong các đặc điểm về hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc thiếu thốn tình cảm; thích mới, lạ, thích được hưởng thụ; thích được đi du lịch nước ngoài mà không tốn tiền. Lợi dụng những điều kiện, hoàn cảnh này, các đối tượng (chủ yếu là các đối tượng người gốc châu Phi như: Nigieria, Kenya, Ghana…) đã nghiên cứu, lợi dụng những phụ nữ trên để thực hiện hành vi phạm tội cho chúng.
Ma túy được các đối tượng vận chuyển từ nước ngoài vào nước ta chủ yếu là ma túy tổng hợp, cocain. Những loại này đa số được mua từ các nước ở khu vực Nam Á, Trung Đông, Tây Phi hoặc Campuchia, Thái Lan. Thời gian gần đây, các đối tượng còn mở rộng việc khai thác nguồn ma túy từ khu vực châu Mỹ để vận chuyển về thành phố Hồ Chí Minh. Ngược lại, ma túy được vận chuyển theo hướng từ Việt Nam đi các nước khác chủ yếu là heroin. Các đối tượng đã ngụy trang ma túy khá tinh vi bằng các thủ đoạn như: bọc ma túy trong giấy bạc rồi rắc tiêu, tẩm dầu gió xanh, dầu thơm… và cho vào đáy, thành vali 2 lớp; giấu trong đế giày, dụng cụ trang trí như chân đèn, chân nến hay vỏ thiết bị máy móc, âm thanh; trong quyển sách dày, cúc áo…
Khác với hai nhóm trên, nhóm thứ ba là những phụ nữ trực tiếp tổ chức hoặc tham gia bán lẻ ma túy cho những người nghiện ma túy sử dụng. Số phụ nữ này chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 80% tổng số đối tượng nữ phạm tội về ma túy). Xét vào điều kiện và hoàn cảnh phạm tội, có một số phụ nữ trước đây là những người từng có thời gian làm việc ở quán bar, vũ trường, thậm chí có trường hợp còn là gái mại dâm, đã từng sử dụng và nghiện ma túy…. Khi không còn có khả năng kiếm tiền từ những việc mà họ từng làm, vì vậy, để có tiền mua ma túy, thỏa mãn cơn nghiện và có tiền để duy trì cuộc sống của mình, những phụ nữ này đã trực tiếp bán lẻ chất ma túy hoặc lợi dụng, thuê người nghiện, đối tượng nhiễm HIV, phụ nữ mang thai, trẻ em để bán lẻ ma túy cho chúng tại những điểm, tụ điểm mà họ đã từng làm việc; những điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy tại các thành phố, thị xã. Ngoài ra, cũng có một số phụ nữ do có chồng hoặc bản thân nghiện ma túy, sau một thời gian, điều kiện kinh tế gia đình khánh kiệt, đã mua ma túy về để sử dụng dần, sau đó bán lại cho một số bạn nghiện khi những người này cần. Khi nhận thấy việc làm này đơn giản, mang lại lợi nhuận lớn nên đã dần mở rộng quy mô bán lẻ, thông thường họ chỉ bán ma túy cho những đối tượng quen mặt. Những phụ nữ này thường trực tiếp bán ma túy tại nhà, họ gia cố nhà mình thành những lô cốt nhỏ, thậm chí trang bị nhiều camera quanh nhà để nhận diện người mua ma tuý và đối phó với cơ quan công an. Hay một số người do điều kiện làm việc gần các tụ điểm phức tạp về ma túy đã nảy sinh lòng tham và mua ma túy về chia nhỏ ma túy thành các liều, tép và cất giấu ma túy tại gốc cây ven đường, bãi gạch vụn, nhà hoang để bán lẻ. Thường thì họ không trực tiếp giao ma túy mà chỉ nơi cất giấu ma túy để người mua tự lấy sau khi đã nhận tiền.
Để phòng ngừa, phát hiện các đối tượng này, các lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy cần chú trọng làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tính hình đối với các đối tượng có tiền án tội phạm về ma túy; người nghiện ma túy; tập trung vào các đối tượng có biểu hiện bất minh về tài chính, có các hoạt động đầu tư, chi tiêu, mua sắm tài sản giá trị lớn… không tương xứng với khả năng thu nhập của bản thân và gia đình; thường xuyên vắng mặt tại nhà; thường xuyên có mặt ở các tuyến, địa bàn phức tạp về ma túy chưa rõ lý do, mục đích…đồng thời chú trọng điều tra, mở rộng các vụ án do các đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy thực hiện. Bên cạnh đó, cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, qua đó vận động người dân không mua bán, tàng trữ hay tham gia vận chuyển thuê chất ma túy cho các đối tượng phạm tội về ma túy.
T. Giang