Lược ghi tại hội thảo đánh giá công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng: Báo động gia tăng người nghiện ma tuý ngoài cộng đồng

Thứ hai - 24/11/2014 00:00 75 0
Ngày 27.12.2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 (QĐ 2596). Theo tinh thần Quyết định này, từ nay đến năm 2020, có 90% số người nghiện ma tuý được cai nghiện và quản lý tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng không hề dễ dàng.

 

Một thanh niên cai nghiện thành công (trái) trở thành gương thanh niên tiêu biểu được Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Trọng tặng hoa.

Cũng theo tinh thần QĐ 2596, điều trị nghiện ma tuý là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma tuý và giảm tình trạng sử dụng ma tuý trái phép; các biện pháp và mô hình điều trị nghiện được đa dạng hoá, tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các trung tâm.

Thực trạng phức tạp

Tại hội thảo đánh giá công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tây Ninh (Sở LĐTB&XH) tổ chức diễn ra vào sáng hôm qua 20.11, các đại biểu đã được nghe một số báo cáo tham luận về công tác cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện ma tuý và giải pháp trên các địa bàn huyện Hoà Thành, Gò Dầu, TP. Tây Ninh; thực trạng và giải pháp quản lý số người nghiện ma tuý ngoài cộng đồng cùng những kiến nghị về việc thực hiện mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Qua đó cho thấy còn nhiều vấn đề vướng mắc chưa được tháo gỡ trong công tác đầy khó khăn, phức tạp này.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý- Công an Tây Ninh, những năm qua, số lượng người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh đã có sự gia tăng đáng báo động, đồng thời người nghiện đang có xu hướng trẻ hoá. Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 5.2014, Tây Ninh có 2.306 người nghiện ma tuý, trong đó có 1.930 người nghiện ngoài cộng đồng, 246 người đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội, 130 người nghiện tại các trại giam, nhà giam giữ. Thông tin cũng cho biết 95/95 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có người nghiện ma tuý. Trong số 1.930 người nghiện ma tuý ngoài cộng đồng nói trên có 1.488 người chưa được cai nghiện. Theo dự báo, đến năm 2020 số người nghiện ma tuý tăng bình quân mỗi năm khoảng 3%.

Điều đáng lo ngại là hầu hết người nghiện ma tuý chưa tự giác cai nghiện, không hợp tác với cán bộ cơ sở trong việc cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng. Họ thường có tâm lý trốn tránh lực lượng công an. Về phía Nhà nước, chưa có biện pháp chế tài khi người nghiện ma tuý không chấp hành việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho công tác quản lý việc cai nghiện tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng ở các địa phương chưa được bảo đảm theo quy định. Nghiện ma tuý được xác định là một loại bệnh mãn tính có thể lặp đi lặp lại, rất khó chữa và hiện cũng chưa có thuốc chữa nghiện hữu hiệu. Chỉ những người nghiện ma tuý dạng thuốc phiện, heroin mới có thể chữa trị bằng thuốc thay thế Methadone nhưng phải uống mỗi ngày và gần như suốt đời. Riêng những người nghiện ma tuý tổng hợp (chiếm tỷ lệ cao nhất) vẫn chưa có thuốc chữa trị cho họ. Trong thực tế từng có nhiều vụ án giết người do người nghiện ma tuý đá (một dạng ma tuý tổng hợp) gây ra. Lý do là sau khi sử dụng ma tuý đá, đối tượng bị ảo giác, trở thành điên loạn, dễ có hành vi bạo lực làm hại gia đình, xã hội.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp cho Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý ở Việt Nam đến năm 2020 đã được nêu lên và mổ xẻ. Đại diện Sở Y tế trình bày một số khó khăn, vướng mắc mà ngành Y tế đang gặp phải trong thời gian qua đối với công tác cai nghiện. Chẳng hạn, các trạm y tế, xã, phường, thị trấn (gọi tắt là tuyến xã) tổ chức cai nghiện, cắt cơn phải đáp ứng cơ sở vật chất theo quy định như có đầy đủ dụng cụ sinh hoạt cho người bệnh gồm: giường, chiếu, drap, gối, chăn, màn, tủ thuốc, dụng cụ cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế.

Thế nhưng việc trưng dụng các trạm y tế để tổ chức cai nghiện là không khả thi, vì như thế sẽ gây ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh cho nhân dân và cũng sẽ khó mà ngăn chặn tình trạng “thẩm lậu” ma tuý vào nơi cai nghiện. Chưa kể, việc xác định người nghiện ma tuý cũng là một việc không đơn giản; ở tuyến xã chưa đủ điều kiện để làm xét nghiệm theo quy định trước khi xác định đối tượng có phải là người nghiện hay không. Công tác quản lý sau cai, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai là một công tác rất quan trọng nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng chút nào, vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn.

Một vị đại biểu đến từ thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu) cũng nêu tình hình khó khăn ở địa phương mình: việc áp dụng quản lý sau cai nghiện tại địa phương hầu như không thực hiện được, vì địa phương không đủ điều kiện để tổ chức quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Tổ công tác cai nghiện đến nay vẫn chưa thể hoạt động được bởi chưa có kinh phí và nhân lực. Những người nghiện thường không có chỗ ở cố định, sau cai nghiện, họ ít có mặt tại địa phương mà đi nơi khác làm ăn, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Một người cai nghiện thành công, hiện đang làm chủ tiệm sửa xe gắn máy ở huyện Dương Minh Châu.

Trong phần phát biểu của mình, vị đại biểu TP. Tây Ninh cho rằng: nhận thức của một số đối tượng sau cai nghiện còn rất hạn chế, điều đó cũng gây khó cho địa phương trong việc phối hợp thực hiện các chế độ chính sách có liên quan. Đội công tác xã hội tình nguyện ở các xã, phường chỉ mới thành lập, do đó công tác quản lý đối tượng chưa được sâu sát, kịp thời.

Theo vị lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoà Thành, toàn huyện này hiện có 76 đối tượng quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Trong đó có 22 người có việc làm ổn định, 18 người không có việc làm, chưa có biểu hiện tái nghiện, 11 người có khả năng tái nghiện, 19 người tái nghiện, 2 người bỏ địa phương, 1 người chuyển sang cai nghiện tại trung tâm và 3 người bị tạm giam.

Theo nhận xét của vị đại biểu này, đa số đối tượng sau khi hoàn thành quá trình cai nghiện tại trung tâm được đưa về cộng đồng đã không chịu hợp tác, không muốn tiếp cận với chính quyền địa phương. Nhiều người trong số họ khi trở về địa phương ít có nhu cầu về việc làm, hoặc không muốn làm việc, dễ dẫn đến tái nghiện. Đáng nói là nhiều gia đình quen nuông chiều con em, không phối hợp với ngành chức năng trong việc quản lý người sau cai nghiện. Chính quyền địa phương cũng còn khá lúng túng trong việc thực hiện các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành về công tác phối hợp quản lý các đối tượng sau cai nghiện.

Những việc cần làm

Theo dự thảo kế hoạch tổ chức cai nghiện tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh do UBND tỉnh vừa mới ban hành, từ năm 2014, căn cứ tình hình người nghiện ma tuý trên địa bàn các xã, phường, thị trấn sẽ thành lập thí điểm 17 cụm cai nghiện tại cộng đồng.

Sở LĐ-TB&XH được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức mô hình cai nghiện tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng; xây dựng mô hình điều trị cắt cơn nghiện tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn phù hợp với tình hình địa phương.

Trung tâm Giáo dục lao động xã hội xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ sở vật chất tại đơn vị để xây dựng mô hình cai nghiện tự nguyện theo hình thức dịch vụ hoặc hỗ trợ xã, phường, thị trấn cắt cơn cai nghiện tại trung tâm theo quy định của pháp luật. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể khác phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người nghiện, gia đình người nghiện đăng ký tự nguyên cai nghiện và phòng chống tái nghiện. Định kỳ hằng năm, các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Hy vọng sau khi kế hoạch chính thức ban hành sẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn ma tuý, trả lại môi trường sống an toàn cho xã hội.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây