Dự lễ truy điệu và an táng có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, cán bộ cách mạng lão thành qua các thời kỳ cùng lãnh đạo, chính quyền tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa.
Quang cảnh Lễ truy điệu và an táng hài cối 72 liệt sĩ. |
Tham gia tiến công sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968, Sư đoàn 5 có các đơn vị: Trung đoàn 4, Trung đoàn 5 và các tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn; được tăng cường 1 tiểu đoàn đặc công của tỉnh Đồng Nai, 1 tiểu đoàn pháo ĐKB của Trung đoàn 724 và 1 Đại đội đặc công của Biên Hòa.
Trong đó, Trung đoàn 4 có nhiệm vụ cùng Tiểu đoàn Đặc công của tỉnh Đồng Nai đánh thẳng vào hướng đông bắc Sân bay Biên Hòa; Trung đoàn 5 cùng Đại đội đặc công của Biên Hòa có nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tư lệnh Dã chiến II Mỹ và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 Ngụy trong sân bay.
Đúng 0 giờ ngày 31.1.1968 (giờ G), hiệu lệnh Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 bắt đầu. Các hướng tiến công của Sư đoàn 5 đồng loạt nổ súng đánh thiệt hại nặng và chiếm được một số mục tiêu quan trọng.
Đến 4 giờ sáng địch tăng cường thêm lực lượng chi viện gồm máy bay, xe tăng, pháo binh, bộ binh tổ chức phản kích mạnh vào đội hình các đơn vị của Sư đoàn. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị kiên cường chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt phản kích của địch.
Thân nhân các liệt sĩ dự lễ truy điệu và an táng. |
Tuy vậy, trận đánh sân bay Biên Hòa năm 1968 cũng là trận đánh bị tổn thất nặng nề nhất về lực lượng, vũ khí, trang bị. Riêng Sư đoàn 5 có 1.558 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Biên Hòa, trong đó, tại sân bay và ven sân bay Biên Hòa có 1.262 liệt sĩ.
Tại lễ truy điệu, ông Lê Văn Dành - Bí thư Thành ủy thành phố Biên Hòa phát biểu: “Đã 49 năm qua, các liệt sĩ hy sinh ngày 31.1.1968 chưa được quy tập đầy đủ về nghĩa trang liệt sĩ, hài cốt vẫn còn nằm đâu đó dưới lòng đất mẹ trong sân bay Biên Hòa. Đó là nỗi đau, sự day dứt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đồng Nai”.
Ngôi mộ chung 72 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa 1968. |
Do thời gian quá lâu, xương cốt các liệt sĩ gần như phân hủy mục nát, lẫn lộn vào nhau, nên hài cốt, di vật của 72 liệt sĩ được khâm liệm, để vào 72 quách sành có đánh số thứ tự và an táng vào một ngôi mộ chung.
Có mặt ở lễ truy điệu và an táng, nhiều thân nhân ôm di ảnh liệt sĩ bật khóc. Có nhiều thân nhân liệt sĩ mang gói đất nhỏ và hoa từ quê hương mình rải xuống phần mộ chung 72 liệt sĩ.
Cùng tâm trạng xúc động như bao thân nhân liệt sĩ có mặt trong buổi lễ, ông Lê Anh Toàn, em trai liệt sĩ Lê Xuân Thắng (quê Ninh Bình) nghẹn ngào nói: "Gần 50 năm qua, gia đình tìm kiếm mòn mỏi, chỉ mong được biết anh hy sinh ở đâu. Nay biết chỗ anh nằm, gia đình mãn nguyện rồi".
Theo Báo Tây Ninh Online