Truyền thông giáo dục phòng ngừa tội phạm mua bán người

Thứ tư - 29/07/2015 15:00 124 0
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 138/CP, hoạt động truyền thông giáo dục phòng ngừa tội phạm mua bán người trong 6 tháng đầu năm 2015 đã được lãnh đạo bộ, ngành, địa phương báo chí quan tâm chỉ đạo thực hiện

phat dong 2.jpg

Đoàn diễu hành trên đường xuyên Á (Ảnh minh họa. Nguồn Báo Tây Ninh online)

Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các tiện thông tin đại chúng; chú trọng xây dựng và thực hiện nhiều chuyên trang, chuyên mục về phòng chống tội phạm mua bán người trên các cơ quan báo chí, xây dựng các tiểu phẩm, các phóng sự, ký sự, bài viết và tăng thời lượng phát sóng đưa tin, nhất là về các phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, chính sách pháp luật và cách thức giải quyết, ứng phó giúp người dân nâng cao cảnh giác và tự bảo vệ mình, gia đình mình. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo viết, báo điện tử đã kịp thời đưa trên 100 tin bài về tình hình và kết quả phòng chống tội phạm mua bán người. Bộ Công an biên soạn in ấn phát hành sách "Hỏi đáp pháp luật về phòng chống mua bán người" cấp phát đến các đơn vị địa phương trong toàn quốc.

Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với các bộ ngành chỉ đạo triển khai Chiến lược truyền thông trực tiếp tại cộng đồng nhằm thay đổi hành vi; tổ chức hội thảo, tọa đàm, đối thoại chính sách, pháp luật về phụ nữ bỏ nhà đi khỏi địa phương nghi bị bán tại các địa phương; duy trì sinh hoạt mạng lưới thông tin và hỗ trợ di cư an toàn, tổ chức các khóa tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ hội, đoàn thể về phòng, chống mua bán người. Hội Phụ nữ các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao nhận thức không để tội phạm mua bán người dụ dỗ, lừa đảo và tham gia phát hiện tố giác tội phạm mua bán người, rà soát, đánh giá. xây dựng, duy trì các mô hình phòng, chống mua bán người ở cơ sở.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền 116.396 đợt cho 5.869.963 lượt người tham dự; tổ chức hàng trăm khóa tập huấn chuyên sâu và lồng ghép cho cán bộ thành viên Tiểu Ban chỉ đạo 138/CP. Cán bộ hội, đoàn thể về phòng, chống mua bán người; xây dựng, duy trì hoạt động của gần 5.000 câu lạc bộ giúp chị em xóa đói giảm nghèo, cấp phát trên 2 triệu cuốn tài liệu, kẻ vẽ 2.488 panô, áp phích, thực hiện 2.028 chuyên đề, chuyên mục và phim phóng sự lên quan đến mua bán người. Địa phương thực hiện tốt công tác truyền thông là Thừa Thiên- Huế, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh…

Công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo các cơ quan báo chí quan tâm thực hiện. Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh Truyền hình Tây Ninh, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống tội phạm mua bán người. Đưa tin về phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm này để nhân dân biết, cảnh giác. Hoạt động của các cơ quan chức năng trong công tác điều ta, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người và công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các cơ quan báo chí trong tỉnh có 34 tin bài, Sở Thông tin và Truyền thông biên tập, cập nhật lên Cổng thông tin điện tử tỉnh 17 tin, bài.    

Tình hình tội phạm mua bán người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là mua bán ngưòi dưới dạng lừa đưa người ra nước ngoài rồi bán vào các động mại dâm, lao động cưỡng bức hoặc hôn nhân trái phép, trong khi công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, tham mưu lãnh đạo các cấp đề ra các kế hoạch, biện pháp có nơi, có đơn vị còn chưa chủ động dẫn đến kết quả phòng ngừa chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong điều tra, truy tố, xét xử chưa đồng bộ, hiệu quả răn đe chưa cao hoặc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân có nơi có lúc còn chưa chặt chẽ nhất là hợp tác với các nước để trao đôi thông tin, giải quyết các vụ việc mua bán người còn nhiều vướng mắc, thiếu kịp thời. Công tác truyền thông còn dàn trải, diện bao phủ chưa nhiều, chưa thật sự đến được đúng đối tượng cần tuyên truyền.

Đó là nhận xét, đánh giá chung về những mặt tồn tại hạn chế trong hoạt động phòng chống tội phạm mua bán người của Thường trực Ban chỉ đạo 138/CP tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 vừa được tổ chức vào đầu tháng 7/2015. Phân tích về nguyên nhân của tồn tại Ban chỉ đạo 138/CP đã chỉ ra: Nguyên nhân của tồn tại trên là do khó khăn về kinh tế và thiếu việc làm, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân, ngoài ra do mất cân bằng về giới của một số nước giáp nước ta và khu vực. Công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, quản lý khu vực biên giới còn nhiều sơ hở, bất cập và thiếu kinh phí, phương tiện hoạt động. Đội ngũ cán bộ làm công tác nàv còn thiếu và chủ yếu là kiêm nhiệm, hợp tác quốc tế chưa đủ mạnh và thống nhất nên hiệu quả chưa cao.

Vì vậy trong 6 tháng cuối năm 2015, Ban chỉ đạo 138/CP đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khắc phục những khó khăn hạn chế nêu trên góp phần ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm mua bán người. Riêng trong công tác truyền thông giáo dục phòng ngừa tội phạm mua bán người Ban chỉ đạo đề nghị: Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống mua bán người, chỉ đạo các cơ quan báo chí toàn quốc tăng thời lượng đưa tin phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến cơ sở. Xây dựng, triển khai chiến lược truyền thông, hoàn thiện và đưa vào sử dụng tài liệu truyền thông chung về phòng, chống mua bán người để hướng dẫn các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện. Tổ chức điều tra khảo sát và hội thảo về xây dựng mô hình phòng ngừa mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao và tinh hình thực tế hoạt động tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, trong 6 tháng cuối năm 2015, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm huyện Bến Cầu tổ chức tập huấn về phòng chống tội phạm mua bán người cho các thành viên Ban chỉ đạo huyện, xã…để góp phần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông (truyền thông trên Đài truyền thanh huyện, xã và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua các buổi họp, hội nghị…) giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa của nhân dân các xã nông thôn, biên giới.

Nhật Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây