Xây dựng cánh đồng lớn- xu hướng phát triển cho ngành Mía đường

Thứ ba - 13/12/2016 09:00 60 0
Manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững là thực trạng hiện nay của sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng. Ngành mía đường cũng không nằm ngoài thực trạng này.

Theo Công ty Cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), ở niên vụ 2013- 2014, diện tích bình quân mỗi hộ trồng mía có hợp đồng với TTCS khoảng 5,8 ha/hộ. Đến niên vụ 2016- 2017, diện tích bình quân mỗi hộ đã tăng lên mức 7,3 ha/hộ, quy mô sản xuất từng bước tăng lên qua các năm.

xu huong_1.jpg

Làm đất, chuẩn bị trồng trên cánh đồng mía lớn.

Tuy nhiên, để có một vùng nguyên liệu bền vững, Công ty và nông dân trồng mía vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn. Giải pháp tối ưu là phải làm sao để quy hoạch đồng ruộng thành những vùng sản xuất với quy mô lớn và tập trung, để có thể ứng dụng đồng bộ những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, từ đó làm tăng hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí cho người trồng mía.

Ở vụ đầu tư 2016- 2017, TTCS đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh xây dựng chương trình cánh đồng mía lớn, thu hút được sự quan tâm của nông dân. Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình đã xây dựng được 3 cánh đồng mẫu lớn tại các xã Trà Vong (huyện Tân Biên), Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu) và Long Phước (huyện Bến Cầu).

Cánh đồng mẫu lớn là hình thức sản xuất tập trung, phát huy mối liên kết của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Mục tiêu của cánh đồng mẫu lớn là tạo đầu ra ổn định với lợi nhuận cao cho người nông dân, giúp họ yên tâm sản xuất.

Mỗi cánh đồng mẫu lớn có diện tích 20 ha, được tổ chức quy hoạch theo lô thửa, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, đảm bảo cho việc áp dụng cơ giới hoá vào canh tác mía và vận chuyển mía được thuận lợi. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu nước cũng được thiết kế hợp lý, bảo đảm cung cấp đầy đủ nước tưới cho cây mía sinh trưởng và phát triển tốt trong mùa khô, cũng như tiêu thoát nước cho ruộng mía vào mùa mưa.

xu huong_2.jpg

Mía trồng ở nông trường Thành Long.

Cũng theo TTCS, khi đã có được vùng sản xuất với quy mô lớn, chung bờ chung thửa, việc áp dụng cơ giới hoá sẽ trở nên thuận lợi, từ khâu trồng mía, bón phân, làm cỏ, chăm sóc đến thu hoạch. Việc thực hiện cơ giới hóa 100% trên diện tích lớn giúp tiết giảm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế; ruộng mía được chăm sóc đồng đều, sinh trưởng tốt hơn. Toàn bộ công việc nặng nhọc của nhà nông trước đây sẽ được thay thế bằng máy móc.

Như vậy, công việc còn lại của người nông dân lúc này chỉ là giám sát quá trình tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả. Từ đây, lao động nông nghiệp sẽ có bước phát triển mới.

Khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là việc phá bỏ bờ lô. Ban đầu, đa số nông dân không đồng ý, nhưng dần dần họ đã từ bỏ lối tư duy truyền thống, sản xuất nhỏ lẻ manh mún. Đến nay, nhiều người đã sẵn sàng xóa bỏ bờ lô để hợp tác, tạo nên một cánh đồng lớn sản xuất theo quy mô công nghiệp.

Trong năm đầu triển khai thực hiện cánh đồng lớn, công ty TTCS đã xây dựng nhiều phương án để hỗ trợ nông dân. Theo chính sách chung, công ty sẽ đầu tư không hoàn lại cho các hạng mục lắp đặt hệ thống tưới béc và cày ngầm. Đây là hai giải pháp kỹ thuật mà công ty đặc biệt nhấn mạnh đầu tư để nâng cao năng suất và chất lượng mía.

Ngoài ra, TTCS còn hỗ trợ thêm cho nông dân các chi phí cắm mốc để phá bờ lô với mức 1 triệu đồng/ha, chi phí xây dựng hạ tầng 1 triệu đồng/ha, hỗ trợ phần chi phí trồng máy 1 triệu đồng/ha. Công ty còn cử bộ phận kỹ thuật nông nghiệp hỗ trợ nông dân trong quá trình canh tác mía, kịp thời tư vấn các kỹ thuật canh tác hiệu quả, cũng như xử lý các loại sâu bệnh hại một cách hợp lý.

xu huong_3.jpg

Thu hoạch mía bằng cơ giới tại Nông trường Thành Long, một trong các vùng nguyên liệu tập trung được canh tác theo mô hình Nông trường kiểu mẫu của TTCS- Ảnh TTC

Diện tích mía trên cánh đồng lớn sẽ được TTCS cung cấp dịch vụ thu hoạch bằng cơ giới với giá 150.000 đồng/tấn mía (giá thu hoạch thủ công 220.000 đồng/tấn). Tính trên năng suất 100 tấn/ha, người nông dân sẽ tiết kiệm được 7 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, TTCS cam kết bảo hiểm mức lợi nhuận tối thiểu 20 triệu đồng/ha cho nông dân.

Theo Công ty TTCS, với tổng diện tích vùng mía nguyên liệu lên đến 15.000 ha, thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn là hướng đi tất yếu trong sản xuất mía đường bền vững. Việc thực hiện 3 cánh đồng mẫu lớn này sẽ làm tiền đề để TTCS xây dựng nhiều cánh đồng khác trong những niên vụ tiếp theo.

Tuy nhiên, để mô hình ngày càng được nhân rộng và có hiệu quả, liên kết giữa các bên phải thực sự bền chặt và có chiều sâu, nhà nông phải từ bỏ lối tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tiến hành liên kết để sản xuất theo quy mô công nghiệp.

Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp, tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường hợp lý. Nhà khoa học phải xây dựng quy trình canh tác chuẩn cho từng vùng nguyên liệu, thường xuyên nghiên cứu và chuyển giao những tiến bộ khoa học- công nghệ, những kỹ thuật canh tác mía hiệu quả cho nông dân. Còn nhà doanh nghiệp- Công ty TTCS phải luôn đồng hành cùng nông dân trồng mía, bảo đảm đầu ra để người nông dân yên tâm sản xuất.

Theo BTNO




Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây