Xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới: Khát vọng vươn lên tầm cao mới

Thứ ba - 29/08/2017 11:00 60 0
Công tác xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đang có những chuyển biến tích cực từ các xã nội địa đến biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trong 20 xã biên giới của tỉnh, đến nay có 4 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đó là các xã Long Khánh, Long Phước, Long Thuận, huyện Bến Cầu và xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Các xã biên giới còn lại cũng đang có những chuyển biến nhất định.

Khát vọng vươn lên tầm cao mới

Nhiều tuyến đường trục ấp được cứng hoá.

Cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều thay đổi

Ðến xã Long Thuận, huyện Bến Cầu vào những ngày này, chúng ta dễ dàng cảm nhận được diện mạo mới, một sức sống mới đang từng bước đổi thay ở một vùng biên giới.

Ông Nguyễn Thành Thông- Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết, bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, nổi bật nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống kênh mương thuỷ lợi phục vụ sản xuất; cơ sở vật chất về văn hoá, y tế, giáo dục đều được đầu tư xây dựng bài bản, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Ông Văn Thành Công (73 tuổi)- một người dân ấp Long An, xã Long Thuận bộc bạch: “Ðổi thay lớn nhất, dễ nhận thấy nhất của xã Long Thuận sau XDNTM có lẽ là ở tiêu chí giao thông nông thôn (GTNT), đường sá phẳng lì, đi lại sướng lắm”.

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường mới làm, ông Nguyễn Văn Pha- Trưởng ấp Long An, xã Long Thuận vui mừng nói: “Sau khi hoàn thành các tuyến đường trục xã, trục ấp… người dân đã tích cực đóng góp tiền của và hiến đất đai, hoa màu để cùng Nhà nước làm các tuyến đường ngõ xóm.

Riêng ấp Long An, người dân hưởng ứng đóng góp làm 6 tuyến đường, tổng chiều dài 2,5km, với trị giá gần 80 triệu đồng. Bà con rất hoan nghênh về XDNTM, vì họ thấy quê hương chuyển biến, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới”.

Ông Trần Minh Dũ- Trưởng ấp Phước Ðông, xã Long Phước chia sẻ, mặc dù kinh phí còn hạn chế, chưa thể mở rộng và nhựa hoá tất cả các con đường như quy hoạch, nhưng về cơ bản, các tuyến đường trên địa bàn xã đã bảo đảm cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của nhân dân được dễ dàng.

Trong đó, đường trục xã, liên xã được nhựa hoá; các tuyến đường trục ấp được trải sỏi đỏ… Bây giờ không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy như những năm trước. Ngay cả những tuyến đường trục chính nội đồng cũng được người dân hiến đất hai bên đường mở rộng.

Tuy chưa được trải nhựa hoặc bê tông nhưng được “cứng hoá” bằng sỏi phún làm cho xe cơ giới dễ dàng đi lại, thuận tiện cho vận chuyển hàng hoá nông sản, bà con nông dân tránh khỏi cảnh bị thương lái ép giá, trẻ em đến trường cũng dễ dàng hơn.

Ðến nay, tất cả những con đường liên xã Long Khánh, Long Phước, Long Thuận đã được trải nhựa phẳng lì, nối liền với các xã lân cận cũng như với thị trấn Bến Cầu, khoảng cách từ huyện đến các xã biên giới không còn xa xôi như trước đây.

Bên cạnh đó, nhiều công trình phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng, như trường học, cơ sở vật chất văn hoá, chợ nông thôn, trạm y tế xã… Trong đó, việc xây dựng trường học có thể được xem là một điểm sáng. Ðến các xã biên giới trong những ngày này, ít ai có thể nghĩ rằng một vùng nông thôn thuần nông lại có được hệ thống trường lớp tốt như vậy. Tất cả các trường được kiên cố, lầu hoá và tươi mới một màu sơn.

Ông Hồ Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết: “Trước đây, các trường học tạm bợ, nhà cấp 4, lợp tôn, nhưng nay đã đạt chuẩn quốc gia, đầy đủ tiện nghi”.

Một trong những xã biên giới nổi bật trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Tất cả các trường trên địa bàn xã đều đạt chuẩn, trong đó Trường mầm non Xa Mát đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Sở Giáo dục và Ðào tạo vừa tiến hành khảo sát, đánh giá và sẽ tham mưu UBND tỉnh công nhận Trường tiểu học Tân Lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Khi đó, toàn huyện Tân Biên sẽ có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và cả 2 trường đều nằm trên địa bàn xã Tân Lập. Ðây là điều đáng mừng, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân vùng căn cứ cách mạng năm xưa, nơi có Khu di tích Trung ương Cục miền Nam.

Ngoài ra, ngay cả ở vùng sâu nhất của xã Tân Lập là ấp Tân Khai cũng có trường mầm non và trường tiểu học được đầu tư xây dựng khá khang trang, hiện đại.

Cô giáo Nghiêm Kiều Dung- Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khai vui vẻ bày tỏ: “Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, phòng học rộng rãi, thoáng mát, trang thiết bị đầy đủ, bếp ăn còn được trang bị máy sấy chén, hấp khăn… nên phụ huynh phấn khởi, gửi con vào học rất đông”.

Quả thực, nếu không tận mắt chứng kiến thì khó có thể tin ở những vùng biên giới xa xôi lại có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đến như vậy.

Khát vọng vươn lên tầm cao mới

Trường mẫu giáo Long Phước được xây dựng khang trang.

Ðời sống người dân được nâng cao

Bến Cầu là một huyện thuần nông nên vấn đề nước tưới là rất cần thiết. Tuy nhiên, do vị trí nằm ở phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông nên hệ thống nước tưới không thuận lợi, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. UBND huyện Bến Cầu đã kiến nghị tỉnh đầu tư xây dựng các trạm bơm.

Ðến nay, toàn huyện Bến Cầu có 5 trạm bơm. Trong đó, trên địa bàn xã Long Thuận có được 2 trạm bơm là Long Thuận và Long Hưng; xã Long Phước có trạm bơm Long Phước A, xã Long Khánh có trạm bơm Long Khánh và trạm bơm Bến Ðình ở xã Tiên Thuận.

Cùng với các trạm bơm, hệ thống kênh mương được đầu tư nâng cấp nên việc dẫn nước tưới hoặc tiêu nước thêm thuận lợi. Ðến nay, một số cánh đồng trên địa bàn xã Long Khánh, Long Phước, Long Thuận đã sản xuất 3 vụ/năm, năng suất, chất lượng cây trồng cũng được nâng cao.

Gia đình ông Văn Thành Công có 1,3 ha trồng lúa, trước đây chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, nay chủ động được nước tưới, sản xuất 3 vụ/năm, trong đó có 2 vụ lúa và một vụ trồng hoa màu. Từ phát triển sản xuất, thu nhập của người dân được nâng cao. Ðến cuối năm 2016, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Long Thuận đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm.

Ông Võ Minh Tâm- Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu chia sẻ: “Cái được dễ thấy nhất là người dân phấn khởi khi cơ sở hạ tầng (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, trạm y tế…) được đầu tư, nên sinh hoạt của người dân thuận lợi hơn, tốt hơn.

Bên cạnh đó, từng bước hình thành được các vùng sản xuất tập trung, những mô hình liên kết 4 nhà để phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao… Ðây là cơ sở để hình thành các hợp tác xã kiểu mới, từng bước nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống người dân”- ông Tâm chia sẻ thêm.

Chú trọng đầu tư XDNTM ở nhiều xã biên giới

Ông Nguyễn Duy Ân- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM cho biết, theo Nghị quyết 100 ngày 12.11.2015 của Quốc hội về “Phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020”, nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM là “Ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã nghèo thuộc các huyện nghèo; xã nghèo thuộc huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như các huyện nghèo”.

Thực hiện Nghị quyết 100 của Quốc hội, thời gian tới, Tây Ninh sẽ tập trung nhiều nguồn vốn để đầu tư XDNTM ở các xã biên giới, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 50/80 xã đạt chuẩn, trong đó có 15 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.

Kế hoạch là vậy nhưng không vì thế mà các xã biên giới ỷ lại, chỉ trông chờ vào sự đầu tư của cấp trên. Với điều kiện khó khăn, xuất phát điểm thấp, các xã biên giới cần sự quyết tâm, nỗ lực cao hơn, trên tinh thần tiêu chí dễ, không cần nhiều kinh phí làm trước, tiêu chí khó làm sau.

Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh chỉ lựa chọn xã có sự đột phá về XDNTM hằng năm để đưa vào kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Khi được chọn làm xã điểm đầu tư hoàn thành XDNTM, các xã biên giới sẽ cơ hội tốt hơn để nâng cao đời sống, cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách với xã nội địa, kéo dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây