Việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh giải quyết hai mục tiêu cơ bản là diệt trừ mầm bệnh không để phát tán ra môi trường và biến chất thải thành phân bón hữu cơ tăng độ màu mỡ cho đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và an toàn khi sử dụng, giải quyết nguy cơ về sức khỏe và môi trường.
Hiện nay, tình hình xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của người dân trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định và góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, hộ gia đình, vệ sinh môi trường.
Theo kết quả công tác cập nhật Bộ Chỉ số năm 2014, số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 83,70%. Các loại hình nhà tiêu chủ yếu của Tây Ninh là nhà tiêu tự hoại, nhà tiêu thấm dội phân bố ở các xã vùng thấp và các nơi tập trung dân cư; Nhà tiêu chìm có ống thông hơi hay nhà tiêu đào đơn giản, đào cải tiến tập trung tại các xã vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt. Toàn tỉnh có 28.303 hộ chăn nuôi, số chuồng trại chăn nuôi được xây dựng hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 83,37 %. Các công trình nhà tiêu chủ yếu do người dân đầu tư, trong năm 2014 UBND tỉnh đã triển khai đầu tư xây mới 286 nhà tiêu cho các hộ gia đình nghèo, chính sách. 100% trường học và trạm y tế khu vực nông thôn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đặc biệt khu vực dân cư nông thôn vẫn còn tình trạng người dân sử dụng cầu tiêu ao cá để tận dụng phân cho cá ăn hoặc phóng uế bừa bãi ra sông, suối. Điều này ảnh hưởng tới nguồn nước gây ra ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho các dịch bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và điều kiện sống của người dân, nhất là trẻ em. Các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi và nhiễm giun sán có nguyên nhân chính là do sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh và nước không an toàn.
Với những cách làm cụ thể, tỉnh đã và đang nỗ lực cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có tỷ lệ ngày càng tăng góp phần trong công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Để từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, trước hết, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cần tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với các tiêu chuẩn: không làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước, không tạo chỗ cho ruồi, muỗi và các côn trùng khác sinh sống, không có mùi hôi thối, khó chịu, mỗi gia đình cần có một nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nội dung, kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT trên địa bàn, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Từ đó, làm cho việc sử dụng nước sạch, thực hiện VSMT và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trở thành thói quen thường xuyên đối với mọi người dân ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, để cần nhiều hơn nữa sự chung tay của cộng đồng và của mỗi người dân trongnhững việc dù rất nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn góp phần vào những thành công của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần cải thiện đời sống, vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn, nhất là tại các xã vùng biên giới.
Tiêu chuẩn nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng nông thôn: là nhà vệ sinh cô lập được phân người, làm cho phân tươi hoặc phân chưa an toàn không tiếp xúc với người, động vật và côn trùng như ruồi, nhặng... Tiêu diệt được các tác nhân gây bệnh có trong phân như vi rút, vi khuẩn gây bệnh (đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa), trứng giun, sán. Không làm ô nhiễm môi trường xung quanh nhất là nguồn nước, đất và không khí. Trước khi đem đi bón ruộng, phân phải được ủ kín bằng chất độn như tro bếp, đất bột và vôi ít nhất 6 tháng để bảo đảm tiêu diệt các mầm bệnh có thể có trong phân.. |
MN