HĐND tỉnh khảo sát tình hình thu hoạch mía niên vụ 2006-2007: Nhiều hộ nông dân đã bỏ trồng mía

Thứ năm - 31/05/2012 00:00 54 0

Cuộc khảo sát được Thường trực HĐND tỉnh tiến hành vào ngày 6.4.2007 ở các địa phương có nhiều diện tích mía thuộc huyện Tân Châu và Tân Biên. Đoàn khảo sát đến các địa phương đã nghe chính quyền và những nông dân trồng mía phản ánh tình hình khó khăn trong sản xuất và thu hoạch mía niên vụ 2006 -2007 để đề xuất giải pháp tháo gỡ cho niên vụ tới.

Tại Tân Châu, ông Nguyễn Thanh Thơm - Trưởng Phòng Kinh tế huyện cho biết niên vụ 2006 -2007 cây mía đạt diện tích 13.504 ha- tăng hơn niên vụ trước 225 ha. Trong đó diện tích hợp đồng với Công ty TNHH mía đường Bourbon Tây Ninh lớn nhất 8.254 ha, diện tích hợp đồng với Công ty CP đường Nước Trong là 3.150 ha và diện tích hợp đồng với Công ty CP đường Biên Hoà là 2.100 ha. Tuy tổng diện tích mía chỉ tăng hơn niên vụ trước 225 ha, nhưng lại xảy ra tình trạng thu hoạch “nhỏ giọt”- nhất là đối với các diện tích mía hợp đồng với Công ty TNHH mía đường Bourbon Tây Ninh. Hầu hết chủ mía đều chỉ được lệnh thu hoạch mỗi ngày 1 xe (từ 12 đến 15 tấn), thậm chí có trường hợp 6 chủ mía được lệnh chặt… 4 xe. Kiểu thu hoạch này đã gây khốn đốn cho người trồng mía vì chi phí thuê nhân công đốn chặt cao, mía thu hoạch trễ bị khô giảm sản lượng, chữ đường thấp và đã xảy ra nhiều vụ cháy mía do quá khô.

Được tiếp xúc với Đoàn khảo sát, ông Phan Văn Ron- một nông dân trồng mía ở xã Tân Hưng cho biết, vụ sản xuất này ông đã cày bỏ 8 ha mía để chuyển sang trồng mì, trong đó có cả diện tích mía mới chăm sóc mùa hai. Ông Ron có 16,5 ha mía hợp đồng với 2 nhà máy SBT và Biên Hoà. Trong đó 10 ha hợp đồng với nhà máy Biên Hoà thì thu hoạch từ đầu vụ nhưng chỉ được 2 ha, số còn lại thu hoạch kéo dài đến 2 tháng. Còn 6,5 ha hợp đồng với nhà máy SBT thì đến tháng 1 năm 2007 mới chặt và kéo dài đến đầu tháng 4 mới xong. Có 2 ha trồng ở bàu Ông Mẹt nhà máy cho thu hoạch từ giữa tháng 2 mãi đến đầu tháng 4 mới xong. Do thu hoạch kéo dài, mía bị khô khiến cho sản lượng mất đi không dưới 20 tấn mỗi ha, trong đó có 3 ha bị cháy và có chữ đường rất thấp. Vụ mía này ông Ron bị lỗ trên 60 triệu đồng, từ đó ông Ron quyết định bỏ trồng mía sang trồng mì. Nhiều nông dân trồng mía ở các xã Tân Hưng, Tân Hội cũng nêu tình hình khó khăn tương tự và cho biết cũng đã cày bỏ một phần diện tích trồng mía để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, ngoài tình trạng khó khăn do thu hoạch nhỏ giọt, nông dân trồng mía ở đây còn thẳng thắn nêu với Đoàn khảo sát thực trạng tiêu cực ở các trạm nông vụ. Một nông dân trồng mía ở ấp Gò Đá, xã Mỏ Công bức xúc cho rằng các “đại gia” trồng hàng trăm ha mía vì “biết chơi” nên được lệnh chặt mía trước và chặt hết, còn nông dân nghèo có diện tích vài ha thì phải chặt sau và chỉ cho chặt nhỏ giọt. Có trường hợp các đám mía chung quanh vì chủ mía biết “quan hệ” nên được lệnh chặt trước, còn đám mía ở giữa vì không “biết chơi” nên cứ phải chờ, đến khi được lệnh thu hoạch thì các diện tích phía ngoài mầm mía đã lên cao, chủ mía phía ngoài không cho xe vào vận chuyển, chủ mía phía trong chỉ còn biết đốt bỏ(?!). Vấn đề các đại gia “biết chơi thì được ưu tiên cho lệnh chặt mía” cũng được lãnh đạo Phòng Kinh tế và UBND huyện Tân Biên đề cập. Chẳng biết đây có phải là chủ trương của nhà máy hay là trạm nông vụ lợi dụng tình hình khó khăn để trục lợi? Từ những khó khăn và những biểu hiện “thiếu công tâm” của trạm nông vụ, nhiều nông dân huyện Tân Biên chán cây mía và chuyển sang trồng các loại cây khác.

Ngoài ra, nông dân trồng mía ở hai huyện Tân Châu và Tân Biên cũng rất bức xúc với kết quả đo chữ đường- chủ yếu của Công ty TNHH đường Bourbon Tây Ninh. Nhiều hộ trên cùng một khoảnh đất trồng mía, trồng cùng giống mía nhưng bán cho nhà máy SBT thì chữ đường luôn thấp hơn các nhà máy khác khoảng 1 CCS. Nhiều nông dân hoàn toàn không yên tâm vì cho rằng cứ năm nào giá đường cao thì chữ đường cao, còn năm nào giá đường thấp thì chắc chắn chữ đường sẽ thấp. Có nông dân bức xúc: bán mía cho nhà máy, mà nhà máy muốn “cho” chữ đường bao nhiêu thì nông dân phải chịu chấp nhận bấy nhiêu thì hoàn toàn không công bằng.

Qua các cuộc khảo sát, tiếp xúc chính quyền và những nông dân trồng mía Thường trực HĐND tỉnh đã ghi nhận tất cả những ý kiến và những nỗi bức xúc. Sắp tới, Thường trực HĐND tỉnh sẽ có cuộc tiếp xúc với các nhà máy để tìm hiểu những khó khăn và những nguyên nhân đã gây ra tình trạng nông dân bất mãn,  quay lưng với cây mía.

Sơn Trần
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây