Tại kỳ họp thứ 7, các vị đại biểu HĐND tỉnh đặt ra 18 nội dung chất vấn các sở, ngành. Trong đó có 10 nội dung lãnh đạo các sở ngành trả lời trực tiếp tại hội trường và 8 nội dung trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, do một số nội dung chất vấn các sở ngành trả lời chưa trọn vẹn, các đại biểu có thêm nhiều ý kiến nên kéo dài thời gian, nên chỉ có 6 nội dung được trả lời tại hội trường. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến trả lời của các ngành về những nội dung bức xúc, đang ảnh hưởng đến nhiều người nhất.
* Ông Nguyễn Văn Hây- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:
ĐA SỐ QUY HOẠCH CÒN HẠN CHẾ, CHẤT LƯỢNG QUY HOẠCH THẤP
Đại biểu chất vấn: “…Một số quy hoạch chậm triển khai, kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong vùng được quy hoạch. Có biện pháp gì để triển khai thực hiện? Có quy hoạch nào cần điều chỉnh?”.
Ông Nguyễn Văn Hây trả lời: Các quy hoạch đã đóng góp tích cực trong việc cung cấp các cơ sở khoa học cho kế hoạch 5 năm hoặc hằng năm. Tuy nhiên, đa số quy hoạch còn hạn chế tầm nhìn, chất lượng thấp, chưa cụ thể, quy hoạch còn nặng về tiềm năng hiện có, chưa dự báo được hết các yếu tố thị trường, yếu tố khu vực, yếu tố phát triển… Vì thế, quá trình cụ thể hoá bằng kế hoạch thực hiện gặp nhiều khó khăn do có những quy hoạch không phù hợp xu thế phát triển nên phải điều chỉnh. Mặt khác, một vấn đề bất cập hiện nay là thiếu vốn đầu tư nên mặc dù các quy hoạch “cứng” đã được phê duyệt nhưng vẫn chậm thực hiện, xảy ra tình trạng “treo”.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các quy hoạch trong thời gian qua và căn cứ vào chủ trương Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII thì phải tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại các quy hoạch. Trong năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai, rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch quan trọng như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh; quy hoạch giao thông, quy hoạch công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch về sử dụng đất…
Sau trả lời của ông Nguyễn Văn Hây, các đại biểu tiếp tục chất vấn: Loại quy hoạch nào cần đưa ra dân đóng góp? Khi điều chỉnh quy hoạch có bàn bạc với dân hay không? Những loại quy hoạch nào cần điều chỉnh? Ông Nguyễn Văn Hây tiếp tục trả lời: Trước đây nhiều quy hoạch không đưa ra dân. Để có tính khả thi tốt nhất, thời gian tới tất cả những quy hoạch hoặc điều chỉnh cần phải được đưa ra dân bàn bạc, góp ý rộng rãi. Còn những quy hoạch không còn phù hợp sẽ được điều chỉnh.
* Ông Nguyễn Thái Sơn- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
PHẢN ÁNH CỦA DÂN TÂN HOÀ (TÂN CHÂU) VỀ “TÌNH TRẠNG PHÁ RỪNG CHẬM KIỂM TRA, XỬ LÝ” LÀ KHÔNG ĐÚNG
Đại biểu chất vấn là cử tri xã Tân Hoà, huyện Tân Châu nêu hiện nay tình trạng phá rừng ở khu vực này thường xảy ra nhưng ngành chức năng chậm kiểm tra, xử lý. Ông Nguyễn Thái Sơn trả lời: ngày 17 tháng 5 năm 2006, Sở NN-PTNT nhận được 2 đơn khiếu nại tập thể của 11 người dân thuộc xã Tân Hoà. Nội dung 2 đơn tố cáo về việc cán bộ ban quản lý dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng chiếm đoạt đất của dân sang nhượng trái phép và phản ánh tình trạng phá rừng hiện nay. Sau khi xem xét, vì đây là đơn tập thể chưa đúng quy định nên sau đó Thanh tra Sở có mời toàn bộ số người tố cáo đến để hướng dẫn viết lại đơn theo đúng quy định. Tuy nhiên, chỉ có 4/11 người có mặt. Đến giữa tháng 6 năm 2006, chỉ có 1 người gửi đơn kiến nghị về Sở xin được trồng 1 ha rừng tại khu vực Căn cứ lực lượng C40 Châu Thành. Đơn này đã được Ban quản lý dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng trả lời. Còn lại 10 người đứng tên trong đơn tập thể đến nay vẫn chưa thấy gửi đơn. Như vậy, căn cứ vào thực tế giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của ngành thì nội dung “dân xã Tân Hoà phản ánh tình trạng phá rừng chậm được kiểm tra, xử lý” là không đúng.
Sau khi ông Nguyễn Thái Sơn trả lời, các đại biểu chất vấn thêm: Vấn đề kiểm tra xử lý không phải chỉ chờ đến khi có đơn khiếu nại, tố cáo mà chỉ cần có dư luận là ngành phải tổ chức kiểm tra. Hiện dân Tân Hoà cho biết sẵn sàng cho xe đưa đón, nuôi ăn những người có chức năng để đến Tân Hoà tận mắt chứng kiến tình trạng phá rừng. Ngành NN-PTNT nghĩ thế nào? Ông Nguyễn Thái Sơn trả lời: Nếu nhận được thông tin về tình trạng phá rừng thì ngành sẽ tổ chức kiểm tra ngay. Sau kỳ họp, ngành sẽ thực hiện việc này theo ý kiến của đại biểu.
*Ông Lê Thanh Hải- Chánh Thanh tra tỉnh:
GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI CHẬM LÀ DO VỤ VIỆC ĐẶC BIỆT PHỨC TẠP, KHIẾU KIỆN ĐÔNG NGƯỜI
Nội dung chất vấn “Vì sao việc giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân về đất đai thuộc dự án trồng rừng, nông lâm trường ở 2 huyện Tân Biên và Tân Châu chậm, gây bức xúc trong nhân dân?”, ông Lê Thanh Hải trả lời: Theo báo cáo của UBND 2 huyện trên, đến nay tổng số đơn khiếu nại của công dân về đất đai các dự án và doanh nghiệp là 796 đơn, trong đó huyện Tân Châu là 636 đơn, huyện Tân Biên là 160 đơn. Mặc dù Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành cố gắng xem xét giải quyết, nhưng do đây là những vụ việc đặc biệt phức tạp, khiếu kiện đông người nên việc giải quyết, xử lý còn chậm. Hầu hết việc khiếu kiện của dân liên quan đến đất các dự án, các lâm nông trường đã được Nhà nước giao cho các đơn vị sử dụng đã lâu. Do đó, hồ sơ, chứng cứ phải thu thập lại, phải tổ chức thẩm tra, điều tra hoàn cảnh từng hộ dân nên mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, lực lượng trực tiếp tham gia giải quyết còn hạn chế. Ngoài ra, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chính sách pháp luật về đất đai nhiều lần sửa đổi, bổ sung nên việc áp dụng pháp luật để giải quyết gặp nhiều khó khăn, phải thỉnh thị ý kiến của các ngành Trung ương. Về chủ quan, do cùng một lúc phát sinh quá nhiều, nên các ngành, các cấp bước đầu còn lúng túng trong tiếp nhận, phân loại và tìm giải pháp xử lý đơn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa được chặt chẽ. Đó cũng là nguyên nhân góp phần làm chậm việc giải quyết đơn khiếu nại.
Sơn Trần