Các ngành bảo vệ pháp luật đang vào cuộc để xác định ông Trần Hoàn Kiếm có ép dân lấy đất hay không?
Ngày 16.11.2006, tại Hội trường HĐND, UBND xã Tân Hội, huyện Tân Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Châu đã chủ trì cuộc họp tiếp các hộ dân khiếu nại đối với Tổ sản xuất Nhà máy đường Nước Trong (trước đây) nay là Công ty Mía đường Tây Ninh. Tham dự cuộc tiếp xúc còn có Tổ công tác Thanh tra Chính phủ, các thành viên Đoàn công tác theo Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 22.8.2006 của Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên Tổ công tác 05, đại diện Ban Pháp chế HĐND, Hội Nông dân tỉnh… cùng lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan.
Có tất cả 79 hộ dân khiếu nại Tổ sản xuất Nhà máy đường Nước Trong, với tổng diện tích đất trong tiểu khu (TK) 41 “bị mất đất” là 329,40 ha. Buổi tiếp xúc diễn ra trên tinh thần đối chất trực tiếp, cởi mở thẳng thắn, thậm chí có lúc “khá căng thẳng” khi những người khiếu nại bày tỏ những bức xúc bấy lâu nay...
Buổi làm việc kéo dài từ lúc 8 giờ sáng cho đến gần 13 giờ, đã có tất cả 36 người trình bày những tâm tư, nguyện vọng mình, có người phát biểu 2-3 lượt vẫn có vẻ chưa nói hết những điều muốn nói. Nội dung chủ yếu mà “bên khiếu kiện” nêu là: Từ những năm 90, họ đến vùng đất xã Tân Hội và cả Tân Hà (TK41), bỏ công khai phá đất rừng và trồng cây nông nghiệp ngắn ngày để kiếm sống. Đến năm 1992, Nhà máy đường Nước Trong đi vào hoạt động và Tổ sản xuất do ông Trần Hoàn Kiếm phụ trách cũng theo đó ra đời. Các hộ dân trình bày, lúc này ông Kiếm và ông Dương Thành Dân, cán bộ Tổ sản xuất, trực tiếp vô “ngang nhiên” lấy đất của dân. Hai ông này nói là lấy đất để trồng mía nguyên liệu cho Nhà máy. Tuy nhiên về sau này (năm 2005), họ mới biết các ông đã “mượn danh nhà máy” lấy đất giao cho các “quan chức” khác chứ không phải phục vụ cho việc chung. Đối với những người “còn trụ” lại được trên vùng đất ông Kiếm “quản lý” là những người bà con, họ hàng, bè bạn của ông. Có những hộ đã nhận tiền đền bù do ông Kiếm trả (với nhiều mức giá từ 300.000 đồng đến 800.000 đồng/ha), nay vẫn khiếu nại vì họ cho rằng giá đền bù như vậy là không thoả đáng. Đồng thời họ bảo, lúc đó cán bộ nhà máy ép chế, không nhận cũng không được. Nay bà con từng “có đất” trong khu vực này vì hoàn cảnh quá khó khăn, phải đi làm mướn cho chính những người lấy đất, muốn được trả lại đủ số đất bị mất để sản xuất. Hơn thế, có người còn yêu cầu trả tiền “mất thu nhập” trên “đất của mình” suốt mười mấy năm qua.
Trong vụ kiện tụng này, ông Trần Hoàn Kiếm là người bị “hạch sách” nhiều nhất, vì ông là người hiện có tới 141 ha đất ở khu vực đang có khiếu kiện. Theo yêu cầu khách quan, đối thoại hai chiều, ông Kiếm cũng có mặt để giải thích những thắc mắc của bà con. Ông Kiếm cho biết thời điểm Tổ sản xuất của ông tiến hành khai hoang thì có một số người vô bao chiếm với mức độ khác nhau để sạ lúa, trỉa đậu, đến năm 1995 có người đã trồng mía. Tổ đã trực tiếp gặp những hộ này để biết nếu ai có khả năng trồng mía cho Nhà máy thì giữ nguyên hiện trạng đất cho bà con, bằng không thì trao đổi thoả thuận giao đất cho Nhà máy với giá đền bù công khai phá giá cả tại thời điểm đó. Chứ tuyệt đối không có chuyện ép giá, hay lấy không của bất kỳ ai. Trên thực tế từ năm 1993 đến 2005, không một ai khiếu nại gì trên vùng đất 439ha thuộc TK41 (ông Kiếm trưng ra các giấy tờ có liên quan mà các hộ đã ký nhận tiền đền bù và cam kết không thắc mắc gì). Ông Kiếm dẫn chứng những hộ có điều kiện ổn định sản xuất ngay trên vùng đất này đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy thì cớ gì một hai năm nay, bà Lâm Thị Thanh Lan, đại diện cho 50 hộ dân cố tình bịa đặt, vu khống cho ông đủ điều, nào là lập “Ban đời sống giả”, dựng cảnh bồi thường để khống chế người dân, lấy đất giao cho các quan chức cấp tỉnh...
Kết thúc buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Châu cùng các thành viên trong đoàn ghi nhận, chia sẻ nỗi bức xúc và cám ơn sự có mặt của các hộ dân khiếu nại. Ông tóm lược những nội dung do bên khiếu nại và bên bị khiếu nại trình bày và ông khẳng định rằng, vụ khiếu nại này, Tổ công tác 128 đã cử cán bộ thụ lý giải quyết từ trước, chứ không như một số người nói rằng tỉnh “phớt lờ”. Bà con không nên khiếu nại vượt cấp. Hôm nay, qua cuộc đối chất trực tiếp có sự chứng kiến của Tổ công tác Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành có liên quan, UBND tỉnh sẽ tiếp tục cử Tổ công tác để phúc tra, xác minh làm rõ những vấn đề có tính lịch sử, nhưng phải có lời khai, nhân chứng, chứng cứ. Ở đây tuyệt đối không có chuyện bao che, dung túng cho những ai làm trái pháp luật. Bà con nên cung cấp đầy đủ chứng cứ để hợp tác trên tinh thần thận trọng, chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Không nên nghe lời xúi giục của một số phần tử trục lợi đi khiếu nại sai pháp luật. Và nếu Tỉnh giải quyết mà không thoả đáng thì bà con có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền. Thực tế, cơ quan pháp luật đã, đang vào cuộc xem xét đến nơi đến chốn việc ông Trần Hoàn Kiếm có lợi dụng quyền hạn ép dân lấy đất hay không, để có biện pháp giải quyết đúng pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Châu khẳng định tinh thần trách nhiệm của Đảng và chính quyền tỉnh, sắp tới đây sẽ tổng rà soát lại quỹ đất để thực hiện chủ trương cấp đất cho dân nghèo, nhất là các đối tượng chính sách nhằm cải thiện đời sống bà con vùng nông thôn. Sau buổi tiếp xúc này, đoàn công tác liên ngành sẽ tiếp tục làm những công việc gặp gỡ bà con, phúc tra lại vụ việc và sẽ có văn bản trả lời cho từng hộ khiếu nại.
Lê Minh