Quyền lực của nhân dân

Thứ ba - 07/01/2014 00:00 228 0
Một trong những nội dung bao trùm trong Hiến pháp là đề cao quyền lực của nhân dân.

 

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (được sửa đổi năm 2013) đã chính thức được công bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới. Đó là bản Hiến pháp được kết hợp hài hòa nhất giữa ý Đảng và lòng dân, là đạo luật cơ bản nhất của nước ta trong tiến trình tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập quốc tế.

Trong bản Hiến pháp với sự tập trung cao nhất trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân đó, một trong những nội dung bao trùm là đề cao quyền lực của nhân dân. Đây là quan điểm nền tảng xuyên suốt các chương, điều của Hiến pháp, chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, sức mạnh của quyền lực nước ta là ở nhân dân, thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước.

Hiến pháp long trọng tuyên bố “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Xét trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, việc Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 khẳng định tất cả quyền lực Nhà nước ta thuộc về nhân dân dựa trên những cơ sở vững chắc sau:

1. Xác lập quyền lực tối thượng của nhân dân là sự kế thừa và kiên định mục tiêu, lý tưởng của cách mạng nước ta

Qua hơn 83 năm lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, bài học lịch sử sâu sắc mà Đảng ta rút ra chính là: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của dân tộc, luôn khẳng định tư tưởng “lấy dân làm gốc”, vì vậy, khi giành được chính quyền, lập ra Nhà nước mới, thì Nhà nước đó là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người viết:

“Nước ta là nước dân chủ,

Bao nhiêu lợi ích đều là vì dân,

Công việc đổi mới và xây dựng là trách nhiệm của dân,

Chính quyền từ xã đến Chính phủ do dân cử ra,

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên,

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Theo kim chỉ nam của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991”, nguyên tắc tổ chức của Nhà nước được xác định: “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”.

Cụ thể hóa tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng khẳng định: Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực của Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, năm 2001, Quốc hội khóa X đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992.

Điều 2 Hiến pháp 1992 sửa đổi (2001) ghi rõ: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”. Tiếp đó, Đại hội Đảng lần thứ XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó tiếp tục khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Như vậy, việc xác định quyền lực tối cao của Nhà nước ta thuộc về nhân dân là lập trường kiên định, bất di bất dịch của Đảng ta, đồng thời đã, đang và mãi mãi là vinh dự và trách nhiệm cao cả của nhân dân ta.

2. Việc thể hiện quyền lực của nhân dân trong Hiến pháp

Trước hết, trong các chương, điều của Hiến pháp, nội dung bao quát và nổi bật là: toàn bộ quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân, tập trung ở nhân dân, không phải ở Quốc hội, nghĩa là quyền lực Nhà nước trong mọi lĩnh vực lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có chung nguồn gốc là phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân ủy quyền, giao quyền; phương thức tổ chức quyền lực và thực tế việc thực thi quyền lực của mọi cơ quan Nhà nước đều phải phục tùng nhân dân, vì lợi ích chung và chịu trách nhiệm trước dân. Đó chính là cơ sở vững chắc để hạn chế các yếu tố cực đoan, thiếu trách nhiệm của các cơ quan hoặc các cá nhân được nhân dân ủy thác thực thi quyền lực. Đồng thời cũng là cơ sở để lập ra cơ chế kiểm soát, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền.

Thứ hai, trên cơ sở nhất quán quan điểm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, Hiến pháp đã qui định rõ những việc cụ thể mà nhân dân thực thi quyền lực của mình. Đó là việc trực tiếp bầu đại biểu Quốc hội - cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước cao nhất được cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội sẽ thay mặt cử tri để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Những đại biểu Quốc hội do cử tri bầu ra sẽ được nhân dân giám sát, đánh giá các hoạt động qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tiếp xúc cử tri và qua hoạt động công tác chuyên môn của mình ở từng cơ quan, đơn vị. Luật pháp qui định rõ, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phải tiếp xúc cử tri để tìm hiểu những tâm tư nguyện vọng và ý kiến của cử tri đối với những vấn đề của đất nước, những vướng mắc bức xúc trong đời sống xã hội. Toàn bộ nội dung đó được đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội tập hợp, phản ánh với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước. Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ lại tiếp xúc cử tri để báo cáo về kết quả của kỳ họp cũng như trình bày rõ những việc mà cử tri đề xuất đã giải quyết đến đâu.

Thứ ba, Hiến pháp cũng thể hiện rõ quyền phán quyết, quyền tham gia ý kiến của nhân dân để quyết định những vấn đề quan hệ đối với vận mệnh của quốc gia hoặc theo “quyết định thực hiện việc trưng cầu ý dân” của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện. Ngay như vừa qua, việc xin ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp đã được nhân dân tham gia với hàng chục triệu ý kiến đầy tâm huyết và trách nhiệm. Vậy nên khi Hiến pháp được thông qua, tuyệt đại đa số nhân dân đều thấy có ý chí và nguyện vọng của chính mình trong đó.

3. Cơ chế thực thi quyền lực của nhân dân

Trong thực tiễn đời sống xã hội, việc thực thi quyền lực của nhân dân một cách hiệu quả và bảo đảm nhất là thực hiện tốt quy chế “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”. Cơ chế đó xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa những quan hệ bản chất về chính trị, xã hội phù hợp với đặc điểm của nước ta; đồng thời cũng là sự thể hiện sinh động việc thực thi quan điểm xuyên suốt của Hiến pháp. Cơ chế này phân định rõ, trong xã hội ta, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Quyền lực của nhân dân là tuyệt đối không thể so sánh, không thể phân chia. Quyền hạn của Nhà nước là sự thể hiện tập trung quyền lực của nhân dân. Quyền lực của Đảng thể hiện ở sự định hướng và lãnh đạo tổ chức thực hiện.

Theo cơ chế này, “nhân dân làm chủ” phải là nhân tố bao trùm, Đảng và Nhà nước không nằm ngoài phạm vi nhân dân. Có nghĩa là nội dung “nhân dân làm chủ” hiện nay luôn luôn bao hàm và luôn đồng hành với “Đảng lãnh đạo” và “Nhà nước quản lý”. Không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước khỏi quyền làm chủ của nhân dân. Quyền lực của nhân dân là quyền lực của chủ nhân đất nước và việc thực hiện quyền lực đó có sự phối hợp hài hòa với “Đảng lãnh đạo” và “Nhà nước quản lý”.

Để thực hiện đúng nguyên tắc “mọi nguồn lực trong xã hội và của Nhà nước đều thuộc về nhân dân” trong khi thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, cần bảo đảm những điều kiện vật chất - văn hóa - xã hội ở một trình độ phát triển nhất định và phải nâng tầm dân trí. Đó chính là việc bảo đảm sao cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội bền vững, nhân dân mọi vùng, mọi miền đều được quan tâm, các dân tộc đều được bình đẳng. Trình độ dân trí thể hiện ở sự hiểu biết, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, hiểu biết về quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội, hiểu biết về thời cuộc và nhiệm vụ, trách nhiệm của mình với xã hội.

Với một trình độ dân trí ngày một nâng cao và điều kiện kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội có những bước phát triển nhất định, quyền lực của nhân dân sẽ được phát huy, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ được thực hiện một cách tốt đẹp.

Theo dangcongsan.vn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây