Những con số tưởng chừng đơn giản ấy lại cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà. Trong đó, đi đầu là những đảng viên, nhất là những đảng viên là người dân tộc, tôn giáo. Các đảng viên thật sự là "hạt nhân" của Đảng, tiên phong đi đầu với tinh thần "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", không những gương mẫu chấp hành, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch mà còn có những suy nghĩ, cách làm góp sức tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, chuyển tư thế phòng chống dịch từ bị động sang chủ động; chăm lo an sinh xã hội.
Với vốn tiếng Việt rành rọt, cô gái Chăm Ênha Sina (sinh năm 1987), đảng viên, Trưởng khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác truy vết F1 khi khu phố phát hiện ca nhiễm. "Việc xác định đúng tên, tuổi của bà con người Chăm đã là cả vấn đề, người Kinh khó có thể phân biệt được. Mặt khác, bà con chưa hiểu hết về sự nguy hiểm, sự lây lan của dịch bệnh nên việc hợp tác để truy vết cũng gặp trở ngại"- Ênha Sina chia sẻ.
Ênha Sina (thứ hai từ trái sang) cùng đoàn phương 1, thành phố thăm, tặng quà cho hộ nghèo ở khu phố 2
Với sự hỗ trợ của Ênha Sina, các trường hợp F1 nhanh chóng được xác định và đưa đi cách ly tập trung. Cũng ngay sau đó, 183 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu được phong tỏa, trong đó có cả 3 khu nhà trọ người Kinh. Những ngày đầu, còn trách cứ nhau sao làm cho dịch bệnh lây lan. Ênha Sina ra sức tuyên truyền, với người Chăm thì nói tiếng của dân tộc, với người Kinh thì dùng tiếng Việt để giãi bày, dịch bệnh không thể lường trước được, chỉ có thể cố gắng thực hiện 5K để phòng, chống. Cô gái Chăm bền bỉ đi "rỉ tai" từng hộ. Không thể một sớm một chiều có thể thay đổi ngay cách nghĩ của bà con về dịch bệnh, nhưng những lời nói của Ênha Sina và thực tế các ca bệnh xảy ra trong chính gia đình mình đã khiến bà con được "mắt thấy tai nghe" và ít nhiều đề phòng Covid.
Tận dụng tất cả các mối quan hệ trong thời gian đi học, đi làm trước đây, Ênha Sina vận động bạn bè từ thân cho tới mới quen để hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho bà con; vận động kinh phí để một người dân được đi chạy thận định kỳ.
Sau khi khu phong tỏa được giải tỏa, Ênha Sina không ở lại nhà mà tá túc tại văn phòng khu phố để khi bà con "muốn tìm là thấy ngay", thuận tiện giải quyết các công việc liên quan hồ sơ cho người dân được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Ông Phạm Văn Hải - Phó Bí thư Đảng ủy Phường 1, thành phố Tây Ninh, người luôn đồng hành cùng Ênha Sina, chia sẻ sự cảm phục trước sự lăn xả của Ênha Sina. Nếu không có Ênha Sina thì chắc chắn công tác truy vết, công tác tuyên truyền về dịch bệnh, chăm lo an sinh xã hội cho bà con sẽ gặp nhiều khó khăn. Ở người đồng chí này, luôn toát ra sự gần gũi, hết mình vì cộng đồng.
Còn với Thị Hồng Oanh (sinh năm 1987), người dân tộc Khơ me, là giáo viên trường THCS Tân Phong, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, ngay khi biết Sở Giáo dục và Đào tạo kêu gọi giáo viên đăng ký làm tình nguyện viên tham gia chống dịch, Oanh đã không chút phân vân, đắn đo ghi tên ngay.
Thị Hồng Oanh chuẩn bị giáo án cho tiết lên lớp online
Trưởng thành từ công tác Đoàn, năm 2017, được kết nạp vào Đảng, Thị Hồng Oanh chia sẻ: "Em thấy đây là điều cần làm, nên làm của người đảng viên", khi được hỏi động lực nào khiến Oanh đăng ký tình nguyện đi vào tâm dịch.
Tham gia đội tình nguyện hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, Oanh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tại tâm dịch huyện Dương Minh Châu và các địa bàn thuộc huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng. Sau khi tham gia cùng đội tình nguyện của tỉnh, Oanh được chuyển về hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của huyện Tân Biên, nhất là thực hiện các đợt xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Xong xét nghiệm, lại hỗ trợ công tác nhập liệu để đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine, đi chợ giùm người dân trong thời gian giãn cách, phong tỏa. "Việc nào Oanh cũng hăng hái, xung phong đi đầu"- bà Trương Thị Kim Xanh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong cho biết.
Khi cả tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, người dân có hoàn cảnh khó khăn càng gặp khó khăn hơn. Ở phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành, mô hình "Bữa cơm 0 đồng" do Đoàn phường thực hiện đã làm ấm lòng người dân.
Phó Bí thư Đoàn phường Trần Đình Thịnh trao thực phẩm cho hộ nghèo
Phó Bí thư Đoàn phường Trần Đình Thịnh đã cùng đoàn viên, thanh niên phường duy trì thực hiện nhiều mô hình thiết thực với cộng đồng như vậy. Ngoài "Bữa cơm 0 đồng", còn có "Chuyến xe yêu thương", "Suất cơm yêu thương". "Thịnh là người kết nối tốt, suy nghĩ ra nhiều mô hình mới cách làm hay, thích ứng với tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là thực hiện tốt công tác an sinh xã hội" - bà Võ Thị Son - Bí thư Đảng ủy phường Long Thành Bắc nói ngay về Thịnh.
Đợt cao điểm dịch bệnh, Thịnh cũng tình nguyện tham gia đội lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn xã Phan, huyện Dương Minh Châu, sau đó về hỗ trợ các chốt kiểm soát người ra vào tại các cửa ngõ trên địa bàn, hỗ trợ công tác truy vết F1 và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng trên địa bàn phường. Không nghĩ nhiều về những việc mình đã làm được, Thịnh cho rằng, đó là trách nhiệm của đảng viên phải đi tiên phong. Những đóng góp của Thịnh đã góp phần chuyển màu cho phường Long Thành Bắc từ "cam" sang "xanh" trong phân vùng nguy cơ dịch bệnh.
Cùng tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, đảng viên trẻ Nguyễn Ngọc Linh, Phó Bí thư Xã Đoàn Trường Hòa, thị xã Hòa Thành cùng hăng hái tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Nhận thức được vai trò của đảng viên phải gương mẫu trong mọi hoạt động, dù còn rất trẻ, chưa đầy một năm tuổi Đảng, Linh luôn hăng hái đi đầu trong các hoạt động. Xung phong tham gia tình nguyện lấy mẫu xét nghiệm, truy vết ca nhiễm ở khu vực trung tâm thương mại Long Hoa, phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành; hỗ trợ tiếp tế cho các chốt kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ nhập liệu trong các đợt tiêm vaccine.
Nguyễn Ngọc Linh (bìa phải) hỗ trợ nhập thông tin người được tiêm vaccine ở thị xã Hòa Thành
Trong các đợt tham gia chống dịch, có người hiểu thì hợp tác, có người không hiểu thì dùng lời nặng nhẹ, nhưng vốn trầm tính, Linh giữ bình tĩnh, thoáng chút chạnh lòng rồi thôi. Vì nghĩ, nếu mình bỏ giữa chừng thì mọi người còn gặp khó khăn hơn. Không được may mắn như Thịnh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Linh có tiếp xúc gần với F0, trở thành F1 phải cách ly y tế tại nhà.
Ông Nguyễn Hữu Tài - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Trường Hòa thông tin, tính từ đầu dịch, các ca nhiễm trên địa bàn xã Trường Hòa đều bị nhiễm ở nơi khác, chứ chưa phải trên địa bàn. Cơ bản, xã giữ được vùng an toàn. Đến đợt sàng lọc mới đây, phát hiện nhiều ca F0. Nhờ sự tích cực của Linh và các thành viên trong đội lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết nhanh các ca F0, cắt đứt sự lây lan trong cộng đồng. Trường Hòa giờ cũng là "vùng xanh" trên nền xanh chung của thị xã Hòa Thành.
XV