Phải chủ động, trách nhiệm khi khôi phục lại kinh tế

Chủ nhật - 26/09/2021 22:00 199 0
Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

​Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính Phủ Phạm Bình Minh và các đồng chí Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành và các bộ, ngành Trung ương, 1.200 đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc.

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành lời cảm ơn của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp đã luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội trong suốt hai năm chống dịch vừa qua.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách, trong đó có Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh này, càng khó khăn, phức tạp, chúng ta càng phải đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể cùng nhau vượt khó nên Chính phủ liên tục có các cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, nước ta đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, đặc biệt là các tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An một cách có hiệu quả. Từ kinh nghiệm quá trình phòng chống dịch, cho thấy, không thể chủ quan khi nới lỏng giãn cách, mà cần thích ứng an toàn, kiểm soát dịch có hiệu quả vừa chống dịch thành công vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng mong muốn với sự sáng tạo, nhạy bén của doanh nghiệp cùng kinh nghiệm vượt khó thời gian qua, Hội nghị sẽ tìm ra giải pháp phòng chống dịch, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được cộng đông doanh nghiệp đánh giá cao. Các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã và đang được các địa phương xem xét, hỗ trợ giải quyết. Các gói hỗ trợ tiền, cước viễn thông, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19… lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị trong thời gian tới, bộ, ngành, địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, hợp tác công tư chặt chẽ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận với các chính sách; đẩy mạnh chuyển đổi số. Bộ Y tế có hướng dẫn về phòng chống dịch an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững, các địa phương cần khẩn trương công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, tổ chức kinh doanh an toàn, thích ứng với dịch bệnh, phục hội kinh tế bền vững đến năm 2023; tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đánh giá các chính sách hỗ trợ.

Song song đó, các doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ lẫn nhau, chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cố gắng góp phần giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, hiến kế cho chính quyền các cấp phục hồi kinh tế; chủ động nghiên cứu, đánh giá thời cơ, thách thức, tăng cường tính liên kết giữa các ngành hàng, hội viên để cùng nhau vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Tham gia thảo luận, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, địa phương kiến nghị nhiều vấn đề đến Thủ tướng, bao gồm sửa đổi các quy định về phòng, chống dịch trong tình hình mới để chung sống an toàn với dịch bệnh; cần thống nhất sử dụng duy nhất một nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin về phòng, chống dịch; nới lỏng trong tiếp cận nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay của ngân hàng đối với doanh nghiệp; gói hỗ trợ cần đủ mạnh để doanh nghiệp phục hồi sản xuất; giảm thuế giá trị gia tăng, tăng kích cầu tiêu dùng; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính…

Từng là tâm dịch của cả nước, Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh. Tỉnh đã có cơ chế để sống chung với dịch, quy định rõ việc xét nghiệm tầm soát, kéo giảm chi phí xét nghiệm thấp nhất, để doanh nghiệp ít tốn kém và tiêm vaccine cho công nhân. Tỉnh còn cử cán bộ y tế phụ trách các khu công nghiệp, có cơ chế để ngành y tế phối hợp với doanh nghiệp trong xử lý nhanh, gọn, cách ly, điều trị F0, có phần mềm quản lý lao động và truy vết kết nối với ứng dụng Bluezone; đồng thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để giải quyết kịp thời.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến việc tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng và địa phương trong thực hiện phòng, chống dịch và khôi phục kinh tế-xã hội, đồng thời cần tăng cường tính tự chủ, độc lập.

Với các vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm như xây dựng thể chế, xây dựng chính sách, phân cấp phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số, Thủ tướng cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành đang thực hiện, nhất là sẽ phân cấp phân quyền tối đa để chính quyền gần doanh nhân, doanh nghiệp hơn.

Thủ tướng cũng mong muốn, thời gian tới, cần đẩy mạnh hợp tác công tư trên tất cả các ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp và địa phương cùng chia sẻ khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết chung sức đồng lòng khôi phục kinh tế; tái cấu trúc lại doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình.

Quỳnh Như

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây