Các đồng chí lãnh đạo tham dự cuộc họp
Tham dự các điểm cầu, có bà Lilian Pena Pereira Weiss - Trưởng nhóm công tác Ngân hàng Thế giới, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, Vụ nguồn nước và Nước sạch nông thôn, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan.
Dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ nước sạch, vệ sinh nông thôn có tính ứng phó với khí hậu và cải thiện hiệu quả hoạt động các công trình cấp nước nông thôn tại một số tỉnh của Việt Nam, với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (dự kiến khoảng 200 triệu USD). Dự án gồm 3 hợp phần: Cấp nước nông thôn bền vững và chống chịu với khí hậu; Các dịch vụ vệ sinh mang tính ứng phó với khí hậu và Hỗ trợ thực hiện Dự án và tăng cường thể chế.
Các tỉnh muốn tham gia Dự án cần minh chứng về việc còn đủ khả năng vay nợ; sự ưu tiên của tỉnh đối với dự án, cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ từ lãnh đạo tỉnh; xác định các công trình nước đề xuất có giải pháp bền vững về nguồn nước. Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới, đến nay có 17 tỉnh đã đề xuất tham gia Dự án.
Tây Ninh đề xuất tham gia Dự án với Tiểu hợp phần Xây mới và nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước tập trung thuộc của Hợp phần 1 Nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự kiến sẽ có 2 Tiểu dự án gồm Xây mới công trình cấp nước sinh hoạt liên xã, huyện Tân Biên và Xây mới công trình cấp nước sinh hoạt liên xã huyện Châu Thành và Bến Cầu.
Giải trình các ý kiến của Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho rằng, mục tiêu của Dự án mà tỉnh tham gia đồng nhất với mục tiêu của của Ngân hàng Thế giới, phấn đấu đến năm 2025, có 72% tỷ lệ dân nông thôn ở Tây Ninh được sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam, tức sẽ có khoảng 27.000 hộ (tương đương trên 100.000 người) sẽ được tiếp cận với nước sạch.
Dự án này là một trong 4 dự án ưu tiên mà tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Dự kiến tỉnh sẽ vay từ nguồn vốn Ngân hàng thế giới hơn 300 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng của tỉnh để thực hiện Dự án. Tỉnh mong muốn tiếp cận nguồn vốn này để nâng cao năng lực cấp nước sạch nông thôn, giúp người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận với nước sạch sớm hơn và bình đẵng hơn so với người dân ở thành thị.
Về năng lực vay của tỉnh, tỉnh đảm bảo hạn mức vay và khả năng trả vốn vay của tỉnh trong hạn mức dư nợ cho phép. Tỉnh cũng đã hoàn chỉnh đề xuất dự án Nước sạch và Vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối để phối hợp các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung, hoàn thiện đề xuất dự án.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo Dự án để đẩy nhanh công tác chuẩn bị Dự án, kết nối, theo dõi tiến độ Dự án. Cùng với đó, tỉnh sẽ cập nhật Dự án vào quy hoạch của tỉnh, đảm bảo sự đồng bộ về quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh; bố trí đầy đủ nhân sự và năng lực triển khai Dự án của các cơ quan cấp tỉnh theo yêu cầu của các Bộ.
Sau buổi làm việc này, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện lại Dự án và thực hiện các bước tiếp theo theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới.
XV