Quang cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mấy cho biết, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10/2020, lây lan nhanh. Tính đến ngày 20/8/2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 3.500 xã của 49 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, với tổng số 170.000 con trâu, bò mắc bệnh; 20.000 con chết phải tiêu hủy, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển chăn nuôi trâu, bò.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mấy thông tin về tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở tỉnh
Ở tỉnh Tây Ninh, bệnh được phát hiện đầu tiên vào ngày 07/7/2021 trên địa bàn ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Tính đến ngày 14/9/2021, bệnh đã xảy ra tại hơn 3.000 hộ (với gần 6.000 con trâu, bò mắc bệnh) thuộc 91/94 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có hơn 800 con chết. Dịch đang gây thiệt hại trên địa bàn các huyện Gò Dầu, Châu Thành, Tân Châu...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, virus viêm da nổi cục rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô. Virus tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô, trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt. Trong môi trường chuồng trại bị ô nhiễm, virus có thể tồn tại trong nhiều tháng. Cơ chế lây truyền của bệnh đa dạng. Bệnh chủ yếu qua côn trùng đốt như ruồi, muỗi, ve, mòng,...Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh nên bệnh lây lan nhanh.
Với nhận định mầm bệnh đã xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngành Nông nghiệp đã tổ chức xử lý các ổ dịch phát sinh, tiêm phòng bao vây tại các khu vực có trâu, bò bệnh và các khu vực có nguy cơ cao với gần 44.000 liều và đang tổ chức triển khai tiêm 14.000 liều vaccine phòng bệnh cho đàn trâu, bò nông hộ và tiếp tục vận động các trang trại chăn nuôi tự tiêm phòng để bảo vệ cho đàn gia súc của mình.
Ngành còn giao trách nhiệm cho UBND cấp xã giám sát và hướng dẫn người chăn nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò tại vùng dịch, cách ly chăm sóc bò bệnh không được chăn thả ra ngoài đồng cho đến khi hết bệnh; làm mùng chống côn trùng chích, hút máu. Đồng thời, tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,...), hướng dẫn thực hiện liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; tổng vệ sinh tiêu độc sử dụng vôi bột, hóa chất đặc hiệu tiêu diệt côn trùng tại khu vực chuồng nuôi, toàn bộ vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bệnh.
Qua phân tích tình hình dịch bệnh của các huyện, thị, xã, thành phố cho thấy, các địa phương đã cố gắng dập dịch trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Các địa phương đều kiến nghị tỉnh tiếp tục phân bổ vaccine để tiêm phòng đầy đủ cho đàn trâu, bò trên địa bàn, hỗ trợ thuốc tiêu độc khử trùng môi trường; ban hành hướng dẫn thực hiện hồ sơ hỗ trợ kinh phí cho hộ dân có trâu bò mắc bệnh chết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cơ bản thống nhất với báo cáo về tình hình phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và đề nghị đơn vị tiếp thu ý kiến của các địa phương cập nhật thống nhất số liệu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục gặp nhiều khó khăn do trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các địa phương cũng đã thành lập được ban chỉ đạo phòng, chống dịch và triển khai thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Đến hiện nay, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, đây là dịch bệnh mới nên ngành Nông nghiệp tỉnh cần trao đổi kỹ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có giải pháp phòng, chống và kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện nhằm giảm bớt thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức đối với người dân trong phòng, chống dịch bệnh; có giải pháp vận động sự đóp góp của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn kinh phí mua vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục và tổ chức tiên nhanh để hạn chế thiệt hại.
Với kiến nghị của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn cụ thể công tác tiêu hủy, chôn lấp, chính sách hỗ trợ để các hộ dân hoàn chỉnh hồ sơ được hỗ trợ đầy đủ, kịp thời, để các hộ dân tái đàn khi đủ điều kiện.
QN