Triển khai thi công các dự án đảm bảo an toàn dịch bệnh

Thứ bảy - 11/09/2021 10:00 153 0
Sáng ngày 10/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng chủ trì cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản đánh giá tình hình xây dựng cơ bản (XDCB) 8 tháng năm 2021.


Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Lưu Nhạn thông tin về tình tình XDCB 8 tháng, ước thực hiện 9 tháng, nhiệm vụ giải pháp thực hiện những tháng còn lại của năm 2021; dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chuẩn bị trình HĐND tỉnh.

Theo đó, tính đến ngày 31/8/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định trình UBND tỉnh phân khai chi tiết hơn 4.630 tỷ đồng/hơn 4.650 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99,6% kế hoạch của HĐND tỉnh giao. Tỉnh đã giải ngân gần 2.300 tỷ đồng, đạt 59,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 48,86% kế hoạch HĐND tỉnh giao (giảm 3% so với cùng kỳ). Ước giải ngân đến 30/9/2021 là hơn 2.800 tỷ đồng, đạt 74,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 61,42% kế hoạch HĐND tỉnh giao (giảm 11% so với cùng kỳ). Các huyện, thị xã, thành phố giải ngân tương đối tốt, đạt trên 70%.

Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao vốn chuẩn bị đầu tư với tổng số 59 dự án, đến ngày 31/8, có 35 dự án đã phê duyệt và trình cấp thẩm quyền phê duyệt, 7 dự án đang thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư và 17 dự án dừng chuẩn bị đầu tư.

Nhìn chung, các nguồn vốn được phân khai đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức triển khai thi công các dự án chuyển tiếp, phân khai chi tiết kế hoạch vốn cũng như tổ chức thực hiện các quy trình, thủ tục để triển khai các dự án mới; khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác; xây dựng hoàn thành 2 dự án khẩn cấp (Bệnh viện dã chiến số 1 và số 6) phục vụ kịp thời cho công tác điều trị, phòng chống Covid.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vẫn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội. Kế đến là do một số hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn chưa kịp thời; sự phối hợp giữa một số cơ quan thiếu chặt chẽ...


Các địa phương phát biểu tại các điểm cầu

Đối với dự thảo kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức vốn là hơn 19.800 tỷ đồng, trong đó, tổng kế hoạch vốn ngân sách cấp tỉnh hơn 15.300 tỷ đồng (tỉnh quản lý gần 10.200 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ mục tiêu cho cấp huyện hơn 5.100 tỷ đồng). Qua rà soát, nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021-2025 đối với nguồn vốn tỉnh quản lý là hơn 19.400 tỷ đồng với 265 dự án tăng gần gấp đôi so với tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách tỉnh quản lý.

Trên cơ sở này, để thuận tiện trong việc sắp xếp, dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân loại các dự án nêu trên theo 4 mức độ ưu tiên đầu tư. Trong đó, mức độ ưu tiên đầu tư 1 gồm 186 dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Mức độ ưu tiên đầu tư 2 gồm 13 dự án khởi công mới chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, sử dụng vốn ngân sách trung ương. Mức độ ưu tiên đầu tư 3 gồm 50 dự án khởi công mới thuộc danh mục dự án đã được HĐND tỉnh cho ý kiến. Mức độ ưu tiên đầu tư 4 gồm 16 dự án khởi công mới do các đơn vị đề xuất không thuộc danh mục dự án đã được HĐND tỉnh cho ý kiến.

Theo Luật Đầu tư công năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương tại kỳ họp chuyên đề với danh mục dự án thuộc mục ưu tiên 1 như trên. Với phương án này, tổng kế hoạch vốn phân bổ cho mục Thực hiện đầu tư là hơn 6.400 tỷ đồng (tương đương 42,1% tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025) và dự phòng chưa phân bổ là hơn 3.400 tỷ đồng (tương đương 22,5% tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025).


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng kết luận cuộc họp

Sau ý kiến phát biểu của các đơn vị, địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng kết luận ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong công tác giải ngân. Nhiều địa phương giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân chung của tỉnh, như huyện Tân Biên hơn 80%, huyện Bến Cầu khoảng 84%, các huyện còn lại đạt hơn 75%. Bên cạnh đó, có một số đơn vị giải ngân chậm, thấp. Một số dự án sử dụng vốn lớn giải ngân cũng chưa đạt yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trong thời gian tới, các chủ đầu tư cần rà soát lại từng dự án, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với địa phương có dự án đi qua, từ đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Để chuẩn bị cho những dự án bố trí vốn trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các dự án hoàn thành phải được bàn giao, nghiệm thu, quyết toán, tránh quyết toán chậm và phải được thực hiện khẩn trương, công khai, minh bạch. Song song đó, các chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu có uy tín để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các đơn vị, địa phương phải xem nhiệm vụ giải ngân vốn XBCD là nhiệm vụ hết sức quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, gắn với đầu tư công nhằm thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép". Với tình hình dịch bệnh còn kéo dài, để thích ứng, các chủ đầu tư cần có giải pháp làm việc các nhà thầu để triển khai thi công các công trình đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Với dự thảo kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây