Bộ Kế hoạch và Đầu tư hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022

Thứ năm - 16/09/2021 12:00 190 0
Chiều ngày 15/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành liên quan.

Đợt dịch bùng phát từ tháng 4 năm 2021 đến nay đã gây ảnh hưởng lớn đến điều hành và quản lý cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19 không chỉ trong vùng Đông Nam Bộ mà cả các vùng khác và cả nước. Vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 19 địa phương phía Nam bao gồm 6 tỉnh, thành phố toàn bộ vùng Đông Nam Bộ và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch. Việc thực hiện giãn cách này đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn vùng 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1,096 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 4,58% so với cùng kỳ. Một số địa phương trong 6 tháng đầu năm có tốc độ tăng trưởng khá như Thành phố Hồ Chí Minh 5,46%, Bình Dương 7,23%, Đồng Nai 5,74%, Tây Ninh 7,04%. Tuy nhiên, tính chung cả 8 tháng thì đà tăng trưởng đã bị chững lại do các hoạt động sản xuất kinh doanh bị giảm sút do giãn cách xã hội toàn vùng, dự kiến GRDP năm 2021 của Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng âm 2,8%, của Bà Rịa Vũng Tàu âm 2,53%.

Về Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 8/2021, so với chỉ số IIP của toàn ngành cả nước (giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020), thì chỉ số của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ bị giảm mạnh hơn nữa. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng 8 tháng ước đạt 77,978 tỷ USD, chiếm khoảng 36,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng khoảng 21,8% so với cùng kỳ. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng một số địa phương vẫn duy trì được mức tăng xuất khẩu.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng dự kiến đạt 423.219 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ, bằng 76,5% dự toán năm 2021, chiếm khoảng 39,8% cả nước (1.062 tỷ đồng), trong đó thu ngân sách nhà nước nội địa cả vùng đạt 274.032 tỷ đồng, bằng 73,1% dự toán. Tây Ninh được đánh giá là một trong những địa phương có mức tăng thu khá, với mức thu ước đạt 7.180 tỷ đồng (đạt 81,19% so với dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng của các địa phương trong vùng có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ do bị giãn cách xã hội. Về đầu tư công, tổng số vốn ngân sách địa phương đã phân bổ là hơn 68.200 tỷ đồng (bằng 96% kế hoạch năm 2021), trong đó có 4 địa phương (Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu) giao vốn ngân sách địa phương cao hơn số giao của Thủ tướng Chính phủ và 2 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương) giao ngân sách địa phương thấp hơn số giao của Thủ tướng Chính phủ.  Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân 8 tháng của vùng ước đạt 33,8% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, công tác giải ngân trong 8 tháng năm 2021 của vùng Đông Nam bộ ở mức thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 40,6% và thấp hơn mức bình quân chung của khối địa phương là 42,92%. Có 3 địa phương giải ngân tốt đạt trên 50% (tỉnh Bình Phước đạt 94,4%, tỉnh Tây Ninh đạt 59%, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 60,9%).

Trong phần thảo luận, các địa phương nêu khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề xuất cơ chế cụ thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông ghi nhận các ý kiến của địa phương, sẽ tổng hợp giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng chia sẻ với các địa phương những khó khăn do dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công, nhưng bên cạnh đó cũng còn nguyên nhân chủ quan. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương đã kiểm soát được dịch cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, thúc đẩy giải ngân nhiều hơn vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài ODA, hướng tới 2 mục tiêu là không bị điều chuyển vốn (khi địa phương giải ngân dưới 60%) cho địa phương khác và thứ hai là góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng. Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm đến công tác lập quy hoạch (đã có 18/19 địa phương được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch), để thực hiện thu hút đầu tư, phê quyệt chủ trương đầu tư được thuận lợi hơn.

Trong những tháng cuối năm, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương cần triển khai quyết liệt, mạnh mẽ các giải pháp đã được ban hành trong Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 09/9/2021 về hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Riêng đối với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, việc hồi phục sản xuất ở "vùng xanh" trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có ý nghĩa lớn để không làm gián đoạn việc cung cấp đơn hàng cho các đối tác, duy trì hợp tác. Địa phương nên tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp để có giải pháp linh hoạt, phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất an toàn.

Thứ trưởng cũng thống nhất với ý kiến của Thành phồ Hồ Chí Minh và tỉnh Long An sớm xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế của địa phương sau khi kiểm soát được dịch cho không chỉ trong năm 2021, 2022 mà còn tính đến thời gian dài hơn để ổn định sản xuất.

Về các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Thứ trưởng cho rằng cần có sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu từng bộ, ngành, địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật; lựa chọn năng lực của ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu xây dựng và năng lực tư vấn; dự báo nhu cầu, đề xuất nhu cầu phân bổ vốn phù hợp nhu cầu của dự án, năng lực giải ngân của dự án, quản lý của đơn vị chủ quản.

Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương bám sát văn bản hướng dẫn của Trung ương về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, tiếp tục hoàn thiện, cập nhật dự báo, đánh giá các chỉ tiêu sát thực tiễn, sát với khả năng kiểm soát dịch và xu hướng phát triển của cả nước.

Với đầu tư công năm 2022, Thứ trưởng thông tin, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội theo hướng tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trong ngân sách nhà nước năm 2022 là khoảng 519 ngàn tỷ đồng, trong đó cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương vào khoảng 291 ngàn tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2021; vốn ngân sách Trung ương cơ bản giữ nguyên.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương khi đề xuất phân bổ các dự án cần xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải và bố trí theo thứ tự ưu tiên cũng như phù hợp với khả năng giải ngân, khả năng thực hiện của các dự án; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực đột phá, tiềm năng lợi thế của địa phương để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Quỳnh Như


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây