Hội nghị về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế

Thứ năm - 16/09/2021 22:00 180 0
Sáng ngày 16/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị.



Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Tại Tây Ninh, các đồng chí lãnh đạo tham dự tại nhiều điểm cầu. Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự tại điểm cầu Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu UBND tỉnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long kiến nghị Chính phủ tiếp tục đổi mới tư duy, cải tiến quy trình trong hoạt động lập pháp, lập quy và trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình lập pháp, lập quy theo hướng thực chất, hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào quy trình nhằm tạo chuyển biến mạnh về chất lượng công tác này. Nghiên cứu, xác định rõ điều kiện, nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền xây dựng, ban hành, vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát để chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục đổi mới tư duy, cải tiến quy trình trong hoạt động lập pháp, lập quy và trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật…

Các tỉnh tham dự hội nghị còn nêu thực tiễn thi hành pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng cùng với những vướng mắc, bất cập, đề xuất, kiến nghị để thực hiện trong thời gian tới.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. (ảnh: chinhphu.vn)

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để xây dựng và hoàn thiện thể chế các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng phải hoàn thiện thể chế. Bởi, theo Thủ tướng "đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển bền vững".

Muốn vậy, cần có sự đầu tư cho lãnh đạo, chỉ đạo đúng tầm từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã, phải thực hiện tập trung thống nhất; có quy chế làm việc đúng tầm và thường xuyên đôn đốc thực hiện.

Bên cạnh đó, bộ, ngành, địa phương cần tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, có hiểu biết, có kinh nghiệm về lĩnh vực này, cùng với đó cần có sự đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí thỏa đáng. Đồng thời, cần rà soát vướng mắc trong thể chế, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Mọi chính sách đều phải hướng đến người dân, doanh nghiệp để huy động hết nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Khi xây dựng thể chế cần phải lấy ý kiến của các đối tượng được điều chỉnh, phạm vi được điều chỉnh, nhất là người dân, doanh nghiệp phải được tham gia xây dựng luật.

Thủ tướng còn đề cập đến một số biện pháp để xây dựng và hoàn thiện thể chế, như tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, chống tham nhũng, tiêu cực; phân cấp, phân quyền phải đi đôi với nhau, phải có kiểm tra, giám sát quyền lực, quy định trách nhiệm; đổi mới quy trình làm luật, nghiên cứu cải tiến quy trình làm luật đơn giản hơn, sát hợp hơn với thực tiễn…

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây