Thực hiện tái đàn, chuẩn bị tốt nguồn cung ứng thực phẩm gia súc, gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán năm Canh Tý 2020

Thứ hai - 23/09/2019 11:00 88 0
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, trong 9 tháng năm 2019, tỷ lệ chăn nuôi tập trung và đảm bảo an toàn sinh học được nâng lên. Chăn nuôi trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, tập trung, đảm bảo an toàn sinh học.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.469 trang trại, gia trại (trong đó có 263 trang trại; 1.206 gia trại). Cụ thể, có 352 trang trại, gia trại chăn nuôi heo, với tỷ lệ chăn nuôi tập trung đạt 78,2%; 652 trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm, tỷ lệ chăn nuôi trang trại, gia trại đạt 69,1%; 465 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò với tỷ lệ chăn nuôi tập trung đạt 20,1%.

Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2019, ước tổng đàn trâu 13.950 con (bằng 96,9% so cùng kỳ), sản lượng 1.500 tấn (bằng 83,3% so cùng kỳ); 93.500 con bò  (bằng 97,4% so cùng kỳ), sản lượng 5.250 tấn (bằng 95,5% so cùng kỳ); 199.529 con heo (tăng 12,3% so cùng kỳ), sản lượng 32.500 tấn (bằng 98,5% so cùng kỳ). Về gia cầm, tổng đàn có 6.600.000 con (tăng 2,9% so cùng kỳ), sản lượng 24.500 tấn (tăng 11,4% so cùng kỳ).

Công tác xây dựng cơ sở chăn nuôi VietGAHP cũng đạt được kết quả tích cực, đến nay đã có 58 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP (với 28 cơ sở chăn nuôi gà, 30 cơ sở chăn nuôi heo). Cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận an toàn dịch cho 63 cơ sở chăn nuôi gà, 2 cơ sở chăn nuôi vịt, 6 cơ sở chăn nuôi heo, 1 cơ sở chăn nuôi bò.

Hiện, Ngành đã hỗ trợ thành lập 34 tổ liên kết chăn nuôi gà ta, quy mô mỗi tổ từ 2.000 - 6.000 con; hoàn thiện mô hình chuỗi cung ứng thịt heo an toàn với 39 quầy thịt an toàn, trong đó, 21 quầy thuộc chuỗi cung cấp thực phẩm của Công ty cổ phần chăn nuôi CP, 12 quầy thuộc chuỗi cung cấp thực phẩm của Công ty cổ phần thương mại Bách hóa xanh và 6 quầy thuộc chuỗi cung cấp thực phẩm của hệ thống Siêu thị Coopmart.

chuanbitetnt.jpg

Một quầy thịt heo tại cửa hàng Bách hóa xanh (ảnh minh họa)

Về tình hình dịch bệnh, trong 9 tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, heo tai xanh, cúm gia cầm và thủy sản. Tuy nhiên, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại Tây Ninh vào ngày 06/7/2019 tại ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành, sau đó lây lan sang các địa phương khác. Tính đến ngày 4/9/2019, bệnh đã xảy ra tại 868 hộ thuộc địa bàn 52 xã, phường, thị trấn của 8/9 huyện, thành phố. Số heo chết và tiêu hủy là 15.060 con, chiếm 7,6% tổng đàn lợn của tỉnh. Trọng lượng đã tiêu hủy là 932,8 tấn.

Công tác phòng chống dịch tả lợn (heo) Châu Phi được ngành triển khai quyết liệt, chưa để xảy ra dịch bệnh trên các trang trại kín - nơi chiếm tỷ lệ lớn sản lượng thịt heo của tỉnh. Đàn trâu giảm do diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra làm giá heo hơi giảm, khó tiêu thụ. Trong khi đó, chăn nuôi bò và gia cầm ít biến động, thị trường tiêu thụ ổn định.

Để chủ động phòng, chống bệnh, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện quyết liệt các giải pháp, kiểm soát dịch bệnh. Ngành đã tổ chức kiểm tra, giám sát buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp làm lây lan dịch bệnh. Đến nay, cơ quan chức năng đã thành lập 15 chốt kiểm dịch động vật tạm thời và 7 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm heo xuất, nhập tỉnh với số lượng xe kiểm soát được 2.746 lượt xe và 192.300 lượt heo nhập tỉnh.

Công tác kiểm soát giết mổ thực hiện đúng quy trình và được kiểm soát chặt chẽ; tổ chức cho các chủ cơ sở giết mổ, các thương lái ký cam kết chỉ đưa vào giết mổ heo khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng. Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch được chú trọng, đã tổ chức 2 đợt vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và các bệnh gia súc, gia cầm khác trên địa bàn tỉnh, thường xuyên thực hiện tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi có dịch và vùng phụ cận; các phương tiện vận chuyển lợn. Tổng số thuốc sát trùng sử dụng là 6.780 lít.

Bên cạnh đó, Ngành cũng chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền cách nhận biết và biện pháp phòng chống; tập huấn về các biện pháp phòng, chống bệnh và giải pháp chăn nuôi, giết mổ an toàn sinh học; phát hành 19.000 tờ rơi về dịch tả lợn Châu phi và các biện pháp phòng chống dịch,…Ngành còn phối hợp với các ngành liên quan trong tỉnh và các tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM,…kiểm dịch và phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là dịch tả heo Châu Phi; theo dõi tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, tiếp tục cơ cấu lại chăn nuôi theo hướng chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, tập trung, đảm bảo an toàn sinh học.

chuanbitetnt2.jpg

Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh thường xuyên kiểm tra về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo cung ứng thực phẩm sạch cho người dân

Trước tình hình dịch bệnh, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo các ngành chức năng, các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất; triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng đợt 2 năm 2019.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm dịch vận chuyển tại các đầu mối giao thông và biên giới, các điểm giết mổ và điểm tập kết gia súc, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch có hiệu quả.

Chỉ đạo về vấn đề này, tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2019 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chủ động, hoặc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nghiên cứu việc tái đàn, mở rộng quy mô đàn heo ở những nơi chưa có dịch tả lợn Châu Phi đủ điều kiện chăn nuôi an toàn, chuẩn bị tốt nguồn cung ứng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sắp đến.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây