Quy hoạch đô thị Hoà Thành: Hướng đến đô thị “đáng sống”

Thứ hai - 11/12/2017 10:00 120 0
Đến năm 2035, Hoà Thành sẽ trở thành đô thị loại III, có vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm thương mại - dịch vụ của tỉnh; (vùng trung tâm gồm thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành); trung tâm thương mại, du lịch trên cửa ngõ giao thương giữa vùng ASEAN và vùng thành phố Hồ Chí Minh.

Hướng đến đô thị “đáng sống”

Công viên huyện Hoà Thành.

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11 vừa qua, đồ án quy hoạch chung đô thị Hoà Thành đến năm 2035, tỷ lệ 1/10.000 được lãnh đạo Sở Xây dựng trình lên. Cơ bản, đồ án này được lãnh đạo tỉnh thông qua. Theo đó, đến năm 2035, Hoà Thành sẽ trở thành đô thị loại III, có vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm thương mại - dịch vụ của tỉnh; (vùng trung tâm gồm thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành); trung tâm thương mại, du lịch trên cửa ngõ giao thương giữa vùng ASEAN và vùng thành phố Hồ Chí Minh.

ĐÔ THỊ XANH, THÂN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo đồ án, về mặt hành chính, huyện Hoà Thành sẽ được tổ chức thành hai khu vực nội và ngoại thị. Khu vực nội thị bao gồm thị trấn Hoà Thành và 3 xã Hiệp Tân, Long Thành Bắc, Long Thành Trung. Các xã Trường Hoà, Trường Đông, Trường Tây và Long Thành Nam là khu vực ngoại ô.

Trong tương lai, Hoà Thành trở thành trung tâm thương mại và du lịch lớn trên cửa ngõ giao thương giữa vùng ASEAN và thành phố Hồ Chí Minh. Đó sẽ là đô thị được tạo lập với hình ảnh hiện đại, xanh, thân thiện, năng động. Cụ thể, xây dựng môi trường sống có đầy đủ điều kiện làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi cho người dân địa phương; đồng thời cung cấp điều kiện ăn ở, làm việc và nghỉ ngơi hấp dẫn nhất cho nhà đầu tư, khách du lịch.

Đặc biệt, phát huy những giá trị của địa thế, gìn giữ những giá trị lịch sử - văn hoá của địa phương về con người, mảnh đất, Hoà Thành sẽ hình thành không gian du lịch văn hoá - sinh thái đặc trưng, có giá trị lịch sử, văn hoá, như Toà thánh, chùa Gò Kén, cảnh quan thiên nhiên sông Vàm Cỏ Đông, kênh mương và vùng sinh thái nông nghiệp.

Phát huy các giá trị về không gian cảnh quan hai bên sông Vàm Cỏ Đông, suối và kênh rạch làm hành lang xanh. Phát triển các khu đô thị gắn kết với không gian quảng trường, công viên, không gian du lịch văn hoá tâm linh - du lịch sinh thái, cây xanh mặt nước. Không gian nông nghiệp sạch kết hợp du lịch miệt vườn - trang trại vùng cây ăn quả. Không gian ở đô thị kết hợp hài hoà, hình thành các khu ở thấp tầng và các khu chức năng thân thiện của đô thị. Khai thác vị trí trọng tâm đô thị thương mại dịch vụ hỗn hợp cấp vùng.

Với lợi thế gần TP. Tây Ninh- trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị, hành chính của tỉnh, từ đó, đưa ra định hướng phát triển đô thị nén, tập trung phát triển khu vực phía Bắc (gần thành phố Tây Ninh và có Toà thánh Tây Ninh). Khu vực phía Bắc sẽ là trung tâm của cả đô thị, nơi có mật độ dân cư và xây dựng cao hơn các khu vực khác. Đây cũng là nơi tập trung các công trình hành chính, công cộng, dịch vụ... Mật độ xây dựng đô thị sẽ giảm dần theo hướng Nam đô thị.

Trong quy hoạch đến năm 2025 và định hướng đến 2035, khu vực trung tâm sẽ hướng tới hình ảnh một đô thị xanh. Đặc biệt, không gian ven các sông, suối, kênh (sông Vàm Cỏ Đông, suối Rạch Rễ, kênh Tây Ninh...) sẽ trở thành các không gian xanh chủ đạo, góp phần cải tạo khí hậu, không gian cho cả đô thị.

Nhìn chung, theo quy hoạch, Hoà Thành trong tương lai sẽ có cấu trúc đô thị hợp lý, hài hoà, đặc sắc, các khu chức năng và hạ tầng hiện đại đồng bộ để tạo nên một đô thị hấp dẫn, hỗ trợ cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội, làm động lực kinh tế vùng. 

CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM

Tuy nhiên, để trở thành đô thị “đáng sống”, Hoà Thành phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức. Là huyện có diện tích tự nhiên nhỏ nhất trong các địa phương của tỉnh Tây Ninh, nên gặp khó khăn khi tăng quy mô sản xuất, xây dựng công trình theo chiều rộng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đồng bộ ở các xã nông thôn mới và còn hạn chế về chất lượng. Mạng lưới giao thông đường xã có mặt đường cấp phối và đất chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ kiên cố hoá trong hệ thống thuỷ lợi chưa cao. Hạ tầng đô thị chưa được đầu tư hoàn chỉnh để đạt tiêu chí đô thị theo mục tiêu. Hạ tầng cụm công nghiệp, thương mại, cấp nước, thoát nước, y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thể thao, du lịch còn thiếu, cần được nâng cấp và đầu tư mới. Thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu, lao động quản lý, lao động vững tay nghề, lao động có trình độ ngoại ngữ, tin học với tác phong công nghiệp.

Chất lượng tăng trưởng nền kinh tế chưa cao và phát triển dàn trải. Vấn đề ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp; vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang có xu hướng gia tăng, nhất là tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Việc quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội vẫn còn nhiều điểm bất cập. Trên thực tế, vào các ngày lễ hội lớn của đạo Cao Đài, số lượng người hành hương về Hoà Thành là rất lớn, dẫn tới nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng đột biến, khiến các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị quá tải. Vì vậy, cần nghiên cứu, đầu tư các công trình dịch vụ cũng như nâng cấp các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách.

Ngoài ra, vẫn còn một số bất cập cần giải quyết ngay. Đơn cử như vấn đề cấp nước. Hiện tại, hệ thống cấp nước cho đô thị mới dừng lại ở việc đầu tư các tuyến chính cấp nước, chưa quan tâm đến các đường ống cấp nước phân phối và tới các hộ gia đình. Do vậy, cần phải tăng cường đầu tư để phấn đấu thị trấn Hoà Thành đạt 100% các hộ gia đình được cấp nước sạch.

Một số xã nằm gần Thị trấn được cấp nước theo tuyến chính cấp nước từ nhà máy nước Tây Ninh đến. Các xã nằm xa bán kính phục vụ của nhà máy hiện đang sử dụng nguồn nước giếng khoan. Mặt khác, huyện chưa đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Nước thoát chung và xả trực tiếp ra kênh mương, suối, sông trong vùng. Gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân và mỹ quan đô thị.

Về hiện trạng hạ tầng xã hội và nhà ở, thị trấn Hoà Thành đã hình thành và phát triển các khu dân cư tập trung dọc theo các trục đường giao thông chính tại đô thị, chủ yếu là hình thức nhà phố xen lẫn nhà vườn. Nhà ở đô thị chỉ mới tập trung ở khu trung tâm, tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt 99%. Nhà ở các xã Hiệp Tân, Long Thành Bắc, Long Thành Trung, Long Thành Nam, Trường Tây, Trường Đông, Trường Hoà cơ bản theo chuẩn nhà ở kiên cố và bán kiên cố của Bộ Xây Dựng đạt 90-98%. Nhìn chung, nhà ở chưa được quản lý chặt chẽ, xây dựng tự phát, chất lượng thấp, thiếu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, làm mất vẻ mỹ quan của đô thị và điểm dân cư nông thôn.

Hướng đến đô thị “đáng sống”

Một góc thị trấn Hoà Thành hiện nay.

Bên cạnh đó, còn một số hạn chế cần khắc phục như: thiếu tính đồng bộ nên gây khó khăn khi triển khai xây dựng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị; thiếu vốn đầu tư phát triển đô thị; việc triển khai các quy hoạch chi tiết còn chậm; cảnh quan đô thị phát triển chưa hài hoà, thống nhất, mang tính tuỳ tiện, tự phát và còn thiếu các công trình kiến trúc đẹp mang nét đặc thù của địa phương; công tác quản lý đô thị ở chính quyền cơ sở còn hạn chế; và cần tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư để sớm đạt tiêu chí đô thị theo mục tiêu đề ra.

Tại phiên họp đóng góp cho đồ án, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến, quan tâm đến việc quy hoạch đô thị Hoà Thành sao cho phù hợp với sự đầu tư, quy hoạch của Trung ương, không phá vỡ các mục đích về sử dụng đất; quan tâm các vấn đề về giao thông, hệ thống thoát nước và phương pháp chống ngập.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc góp ý, phát triển đô thị Hoà Thành cần có sự gắn kết về kiến trúc, cảnh quan với thành phố Tây Ninh. Do đó, cần tạo sự hài hoà, thống nhất trong cảnh quan, kiến trúc giữa hai đơn vị.

“Như ở Nhật Bản, chúng ta ngồi trên xe ô tô, đi từ thành phố Tokyo đi ra các tỉnh lân cận lúc nào không hay, vì cảnh quan, kiến trúc giữa những nơi này gần giống nhau”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ví dụ. Từ đó, ông Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu lãnh đạo huyện Hoà Thành quan tâm phát triển đô thị theo hướng gắn kết, đồng bộ 3 tiêu chí cốt lõi, gồm: cơ sở hạ tầng đô thị; kiến trúc, cảnh quan và môi trường đô thị.

Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đã giao Sở Xây dựng và UBND huyện Hoà Thành tiếp tục hoàn thiện đồ án, gửi Bộ Xây dựng có ý kiến thống nhất trước khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung theo luật định.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây